Sóng suy thoái hậu Covid-19: Mỹ kỳ vọng các gói cứu trợ ngàn tỷ
Ngày 8-6, Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), cho biết nền kinh tế nước này đã chính thức bước vào suy thoái kể từ tháng 2, chấm dứt đợt tăng trưởng kéo dài kỷ lục 10 năm 8 tháng bắt đầu từ tháng 6-2009.
Giảm 30-40% trong quý II?
Diễn tiến trong nền kinh tế lớn nhất hành tinh cho thấy sự khác biệt một đại dịch có thể tạo ra: Chỉ vài tuần trước đó vào tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,5%, thấp nhất 50 năm. Nhưng từ tháng 3 đến tháng 5, nền kinh tế mất hàng chục triệu việc làm, sự lao dốc mạnh nhất từng thấy ở Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức hiện ở 13,3%, giảm từ 14,7% trong tháng 4. Cả 2 con số này đều cao hơn bất kỳ cuộc suy thoái nào khác kể từ Thế chiến II. Nếu tính cả những người thất nghiệp đã từ bỏ tìm kiếm việc làm và những người đang làm bán thời gian, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 21,2%. "Mức độ lớn chưa từng thấy của suy giảm việc làm và sản xuất, với phạm vi rộng khắp toàn bộ nền kinh tế, cho thấy đây là cuộc suy thoái tệ hại nhất" - báo cáo NBER nói.
Trong dấu hiệu cho thấy quy mô bất thường và bản chất của cuộc suy thoái hiện tại, Gregory Daco, nhà trưởng kinh tế Mỹ tại Oxford Economics, cho biết: "NBER đã xác định cuộc suy thoái này chỉ hơn 3 tháng sau khi nó bắt đầu, là sự xác định nhanh nhất kể từ cuộc suy thoái năm 1980, ngắn hơn nhiều so với thời gian thông thường sau 9 tháng đến 1 năm". GDP của Mỹ đã giảm gần 5% trong 3 tháng đầu năm 2020. Các nhà kinh tế ước tính tăng trưởng trong quý II giảm 30-40%.
Nền kinh tế có thể tệ hơn nếu có làn sóng coronavirus thứ hai, điều các chuyên gia lo ngại có khả năng diễn ra. "Các ca nhiễm có nguy cơ gia tăng khi nền kinh tế mở cửa hơn trở lại. Điều này có thể kích hoạt các hạn chế mới của chính phủ hoặc chính người dân không dám ra ngoài” - nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs cảnh báo.
2021 sẽ tăng trưởng mạnh
Trong khi đó, theo dự báo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nền kinh tế sẽ thu hẹp 6,5% trong năm nay. Các nhà hoạch định chính sách cũng đưa ra dự báo tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,5% vào cuối năm 2021 và 5,5% vào cuối năm 2022 - vẫn cao hơn 2% so với mức cuối năm ngoái, tức hàng triệu người mất công việc và tiền lương trong 1-2 năm.
Fed xác nhận cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đang diễn ra sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong thời gian tới, đồng thời gây rủi ro đáng kể cho triển vọng kinh tế trong trung hạn. Ngoài cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 vào tháng 3, Fed đã mua hơn 2.000 tỷ USD trong kho bạc và chứng khoán thế chấp để đảm bảo thị trường hoạt động trơn tru.
Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lần này đã buộc Fed phải hạ lãi suất qua đêm gần bằng 0 cho đến năm 2021 và có thể đến năm 2022. Fed cũng bắt đầu định hình các biện pháp dài hạn sẽ sử dụng để hỗ trợ sự phục hồi mạnh nhất có thể. Thí dụ, duy trì việc mua trái phiếu liên tục ít nhất với tốc độ hiện tại, khoảng 80 tỷ USD mỗi tháng với trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD/tháng với các chứng khoán đại lý và thế chấp. Mức độ mua vào có thể được tăng về sau, hoặc bổ sung các chiến lược khác.
Trong khi tăng trưởng có thể trở lại trong năm nay, các dự báo của các nhà hoạch định chính sách cho thấy sự hồi phục sẽ bắt đầu một cách nghiêm túc vào năm 2021, với mức tăng trưởng kinh tế dự báo 5% và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 9,3%, tiếp theo là tăng trưởng 3,5% vào năm 2022.
Những gói hỗ trợ chưa có tiền lệ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD giúp vực dậy nền kinh tế khỏi sự sụp đổ bởi coronavirus, thúc đẩy mục tiêu lâu dài của ông là chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng của Mỹ. Bloomberg ngày 16-6 trích dẫn các nguồn bí mật, cho biết một phiên bản sơ bộ đang được Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị. Theo kế hoạch, phần lớn số tiền được dành để duy tu, xây dựng cơ sở hạ tầng cầu đường, phần còn lại dành cho việc xây dựng mạng 5G và cải thiện dịch vụ internet ở các vùng nông thôn. Ông Trump dự định sẽ thảo luận về băng thông rộng ở nông thôn tại một sự kiện ở Nhà Trắng.
Trước đó, Tổng thống Trump đã kêu gọi một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD để tận dụng lãi suất thấp, cho phép chính phủ Mỹ vay với chi phí tối thiểu. "Với lãi suất đang ở mức zero, đây là thời điểm để thực hiện Dự luật Cơ sở hạ tầng được chờ đợi hàng thập niên của chúng ta" - ông Trump nhấn mạnh. Thực tế, Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều đề xuất cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong nhiệm kỳ của mình. Năm ngoái, ông đã đồng ý cơ bản về kế hoạch trị giá 2.000 tỷ USD với đảng Dân chủ. Tuy nhiên, kế hoạch đến nay vẫn chưa được triển khai.
Vẫn chưa biết chính quyền Trump sẽ tài trợ cho chương trình như thế nào, với nguồn tài trợ là điểm nhấn chính cho các đề xuất cơ sở hạ tầng trước đây do ông Trump đưa ra. Tổng thống ủng hộ việc trả tiền cho các kế hoạch với số tiền tối thiểu của chính phủ và liên quan đến khu vực tư nhân, trong khi các đối thủ đảng Dân chủ đề xuất đa số tài trợ của chính phủ.
Naeem Aslam, nhà phân tích thị trường trưởng tại Avatrade, nói: "Tổng thống Trump luôn muốn cải thiện cơ sở hạ tầng của Mỹ và không thời điểm nào khác có thể tốt hơn để làm điều đó như hiện nay. Đề xuất cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD của chính quyền Trump có khả năng vượt qua mọi rào cản, nếu trở thành hiện thực nó có thể thay đổi tiến trình nền kinh tế và tăng cơ hội trở thành tổng thống của ông Trump một lần nữa".
Trước đó, hồi tháng 5, Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật "Các giải pháp toàn diện phục hồi kinh tế và sức khỏe" (HEROES), nhằm tung thêm gói hỗ trợ 3.000 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 và khôi phục nền kinh tế Mỹ. Đến nay, chính quyền Mỹ đã thông qua nhiều gói cứu trợ, trong đó nổi bật là gói 2.000 tỷ USD hồi tháng 2 và gói 484 tỷ USD hồi tháng 4, nhằm giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kích thích tiêu dùng và hạn chế tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Nếu được Thượng viện thông qua và Tổng thống ký thành luật, gói cứu trợ 3.000 tỷ USD sẽ phân bổ gần 1.000 tỷ USD cho các tiểu bang và chính quyền địa phương; chi 1.200 tỷ USD để tặng mỗi người dân Mỹ khoản tiền 1.200USD (tối đa 6.000USD cho 1 hộ gia đình). Nhóm nhân viên y tế làm việc trong môi trường đặc biệt được trợ cấp thêm 200 tỷ USD, các chương trình xét nghiệm Covid-19 sẽ nhận được thêm 75 tỷ USD. Gói cứu trợ cũng dành 10 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp các doanh nghiệp nhỏ đang điêu đứng vì đại dịch, đồng thời tăng 15% ngân sách cho chương trình hỗ trợ dinh dưỡng liên bang.