'Sóng' tăng lãi suất tiền gửi tiếp tục kéo dài
Xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn trong thời gian gần đây và mức lãi suất trên 6%/năm ngày càng nhiều.
Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) ngày 11/6 đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới, trong đó điều chỉnh tăng ở hầu hết các kỳ hạn gửi. Đây là lần thứ hai VIB tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 6 này.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn một và 2 tháng được VIB tăng thêm 0,2%/năm lên 3,0%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng cũng tăng thêm 0,2%/năm lên 3,3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 6 - 8 tháng tăng nhẹ 0,1%/năm lên 4,4%/năm, và kỳ hạn 9 - 11 tháng tăng 0,2%/năm lên 4,5%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 15 - 18 tháng tăng thêm 0,2%/năm, hiện đạt 5,1%/năm. Các kỳ hạn dài 24 - 36 tháng cũng tăng thêm 0,2%/năm, được VIB áp dụng lãi suất cao nhất là 5,3%/năm.
Cũng trong ngày hôm nay, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) đã nâng mạnh lãi suất huy động cho hầu hết kỳ hạn, với mức tăng cao nhất lên tới 0,75%/năm.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến mới được BVBank công bố, lãi suất kỳ hạn một tháng được cộng thêm 0,4%/năm lên 3,4%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,35%/năm lên 3,45%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3%/năm lên 3,5%/năm, kỳ hạn 4 tháng tăng 0,25%/năm lên 3,55%/năm, và kỳ hạn 5 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,6%/năm.
Đối với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất 6 tháng được BVBank tăng thêm 0,65%/năm, lên 4,9%/năm. Các kỳ hạn tiền gửi 10 tháng, 11 tháng và 12 tháng lần lượt tăng thêm 0,45%, 0,3% và 0,75%/năm, chính thức vượt ngưỡng 5%/năm, đạt mức 5,1%, 5,15% và 5,6%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn khác cũng được BVBank tăng mạnh, với kỳ hạn 15 tháng là 5,7%/năm (tăng 0,65%/năm). Kỳ hạn 18 - 24 tháng hiện có lãi suất cao nhất là 5,8%/năm, tăng 0,45 - 0,55%/năm so với trước đó.
Cùng tham gia cuộc đua tăng lãi suất huy động hôm nay, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn.
Cụ thể, NCB tăng 0,3%/năm tại các kỳ hạn dưới 5 tháng, theo đó một tháng hiện được NCB tăng lên 3,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng lên 3,7%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 3,8%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 3,9%/năm và kỳ hạn 5 tháng đạt mức 4%/năm.
Với mức tăng trên, NCB trở thành một trong những ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng cao trong hệ thống.
Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tại NCB nay là 5,05%/năm, sau khi được cộng thêm 0,4%/năm; kỳ hạn 7 tháng cũng tăng thêm 0,4%/năm, đạt mức 5,1%/năm.
Các kỳ hạn gửi từ 8 đến 9 tháng của NCB được điều chỉnh tăng thêm 0,3%/năm, đạt mức lãi suất 5,25%/năm. Kỳ hạn 10 - 11 tháng tăng 0,4%/năm, lên lần lượt 5,3%/năm và 5,35%/năm tương ứng.
Lãi suất huy động cho các kỳ hạn 12, 13 và 15 tháng được nâng lên mức lần lượt là 5,6%, 5,7% và 5,8%/năm. Đặc biệt, lãi suất cho các kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng tại NCB hiện đạt mức 6,1%/năm, vươn lên dẫn đầu thị trường sau khi được tăng thêm 0,4%/năm.
Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4 đến hiện tại. Tính riêng từ đầu tháng 6 đến nay, có khoảng 15 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB.
Trong khi đó, nhóm 4 ngân hàng do nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank là vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.
Lãi suất sẽ còn tăng nhưng mức tăng không nhiều
Trước đó tại "Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024" ngày 6/6 vừa qua, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận xét, lãi suất huy động đã tăng khá nhanh trong thời gian qua do có một số kênh đầu tư hấp dẫn hơn tạo áp lực tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, tuy nhiên mức tăng không nhiều.
Vị chuyên gia cho rằng, thời gian tới, lãi suất huy động sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ tăng cao như quý 3 hoặc quý 4/2024.
Theo thống kê của WiGroup, trong tháng 5, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng tư nhân đã tăng 0,2 - 0,5 điểm % với các kỳ hạn ngắn. Trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh không có biến động về lãi suất.
Chuyên gia WiGroup nhận định, việc tăng hay giảm lãi suất tiền gửi tùy thuộc vào chính sách huy động vốn của từng ngân hàng. Tuy nhiên, tiền gửi kỳ hạn dài trong hệ thống đang giảm đi, do đó việc tăng lãi suất ở kỳ hạn này sẽ giúp ngân hàng tránh tình trạng căng thẳng thanh khoản khi tín dụng phục hồi rõ nét hơn.
Sau các đợt tăng lãi suất dồn dập gần đây, WiGroup cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp, cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn đang ổn định.
Cùng chung nhận định, trong báo cáo vĩ mô tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động có thể cao hơn từ 0,5 - 1%/năm. Tuy nhiên, đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua trên toàn thị trường, dòng tiền vẫn có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.