Sống thấp thỏm bên bờ sông Ngàn Phố
Bờ sông Ngàn Phố, đoạn qua xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) sạt lở nghiêm trọng trong thời gian dài. Nhiều diện tích trồng chè của người dân vùng biên của Hà Tĩnh bị cuốn trôi theo dòng nước.
Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Phố đoạn qua khu vực Đượng Dâu và Đượng Cựa thuộc thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim 2 càng trở nên nặng nề. Đặc biệt, ảnh hưởng bão số 3 và số 4 vào tháng 10/2024 gây mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về mạnh càng khiến bờ sông sạt lở nghiêm trọng hơn.
Tình trạng sạt lở bên bờ sông khiến người dân thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim 2 lo lắng, bất an vì nước sông ngày càng lấn sâu vào đất sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu từ việc trồng chè. Nơi đây có khoảng 100ha đất trồng chè của người dân thôn Tiền Phong.
Là hộ dân có đất sản xuất ở đây, chứng kiến nguồn thu của gia đình bị thu hẹp dần, ông Nguyễn Huy Hoàng (52 tuổi, trú thôn Tiền Phong) không khỏi xót xa. “Vào mùa mưa, đặc biệt là mỗi lần lũ đi qua, nước sông lại lấn sâu, cuốn đi nhiều diện tích đất trồng chè của bà con vùng núi chúng tôi. Hiện tại vùng này nhiều hộ đã mất gần nửa diện tích. Giờ chúng tôi chỉ mong sớm có phương án kè bờ sông để chống sạt lở, giữ đất canh tác. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ cả vùng này bị cuốn trôi hết” - ông Hoàng nói.
“Gia đình tôi hiện có khoảng 1ha chè công nghiệp, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở khoảng 4 sào chè, gây thiệt hại nhiều về kinh tế. Hiện tại, việc phòng ngừa, khắc phục sạt lở vẫn chưa thể thực hiện vì diện tích đất trồng chè bị sạt lở quá lớn” - ông Lê Văn Hòa, thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim 2, chia sẻ.
Người dân thôn Tiền Phong cho biết, trước đây, để ngăn chặn tình trạng sạt lở, địa phương huy động lực lượng phối hợp với người dân đóng cọc tre để gia cố bờ sông. Tuy nhiên, giải pháp này mang tính tạm thời vì chỉ cần một trận mưa lớn thì mọi công sức của người dân bỏ ra gia cố đều cuốn theo nước lũ. Vì vậy, nếu không có giải pháp xây kè ngăn chặn, không lâu nữa toàn bộ diện tích đất khu vực này sẽ bị “xóa sổ”. Bà con không chỉ mất tư liệu sản xuất mà nguồn thu nhập sau nhiều năm xây dựng cũng cuốn theo dòng nước.
Thống kê của xã Sơn Kim 2, sạt lở những năm qua đã ảnh hưởng đến khoảng 10ha chè ven sông Ngàn Phố. Trong đó, diện tích chè đã bị cuốn trôi xuống sông ước tính khoảng 6ha. Hiện trạng lúc này, hàng loạt cây chè trồng sát bờ sông Ngàn Phố bật gốc, nằm la liệt bên bờ sông, số cây này không thể phục hồi.
Theo báo cáo của Xí nghiệp chè Tây Sơn, trên địa bàn hiện tại có 330ha chè được trồng liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Đây là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới vùng thượng nguồn sông Ngàn Phố. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ sông, cuốn trôi nhiều diện tích chè đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và gây lo lắng cho người dân. Bởi sau mỗi đợt xảy ra mưa lớn, đất trồng chè tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng.
“Xí nghiệp luôn tuyên truyền, cảnh báo người dân theo dõi diễn biến thời tiết, thu hoạch chè trong mùa mưa lũ cần đảm bảo an toàn. Vì những vị trí sạt lở sông rất sâu, bờ đất sạt lở thường cao từ 5 - 7m và đã xuất hiện thêm nhiều vết nứt kéo dài hàng trăm mét rất nguy hiểm” - đại diện Xí nghiệp chè Tây Sơn thông tin
Ông Lê Hồng Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) cho biết, chỉ tính riêng sạt lở do mưa lũ thời gian gần đây đã khiến diện tích chè ở khu vực Đượng Dâu và Đượng Cựa thuộc thôn Tiền Phong bị sạt lở với chiều dài khoảng 600m, chiều rộng 4m, tương đương khoảng 2,4ha.
“Tình trạng sạt lở xảy ra đã nhiều năm nay, người dân cùng với chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị cấp trên quan tâm, bố trí dự án kè bờ sông Ngàn Phố để hạn chế sạt lở, bảo vệ đất canh tác cho người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được” - ông Phong cho biết thêm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/song-thap-thom-ben-bo-song-ngan-pho-10294595.html