Sống thấp thỏm cạnh đê chống lũ hơn 10 năm dang dở

Sau 12 năm, tuyến đê hơn 68 tỉ đồng vẫn chưa thành hình khiến hàng ngàn hộ dân 3 xã Thanh Lương, Thanh Yên, Thanh Khai, huyện Thanh Chương (Nghệ An) sống trong lo âu, nhất là khi mùa mưa bão.

Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đê, đi qua các xã Thanh Lương, Thanh Khai, Thanh Yên dài khoảng 6 km, thuộc dự án quản lý thiên tai do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 68 tỉ đồng, gồm 3 gói thầu.

Dự án này có mục đích ngăn nước lũ từ sông Lam tràn vào khu dân cư 3 xã nói trên. Theo thiết kế, chân đê rộng 30 m, mặt đê 5 m (cao hơn mặt đê cũ từ 2 - 2,85 m), đủ sức ngăn lũ trên báo động 3.

Sau hơn 12 năm thi công, tuyến đê 68 tỉ đồng vẫn dang dở.

Sau hơn 12 năm thi công, tuyến đê 68 tỉ đồng vẫn dang dở.

Tuy nhiên, qua 12 mùa mưa lũ, tuyến đê vẫn dở dang, chưa biết bao giờ hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng.

Theo Sở NN-PTNT Nghệ An, năm 2012, dự án được triển khai thi công. Nhưng dự án mới hoàn thành được gần 3 km qua xã Thanh Khai và một phần ở xã Thanh Lương, đến năm 2016 dừng lại vì hết vốn. Phần còn lại đi qua xã Thanh Yên, Thanh Lương dài hơn 3,2 km đang thi công dang dở thì "đắp chiếu" từ nhiều năm qua.

Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, đại diện Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết, kinh phí thi công hơn 3,2 km này là hơn 36,9 tỉ đồng. Tuy nhiên nguồn vốn chỉ mới bố trí được hơn 20,4 tỉ đồng. Số vốn còn lại từ năm 2017 đến nay vẫn chưa bố trí được.

Theo thiết kế, tuyến đê này được nâng cao để ngăn lũ và mặt đê được đổ bê tông sẽ tạo con đường giao thông cho người dân, nhưng dự án bỏ dở khiến người dân địa phương rất khổ sở vì đi lại khó khăn. Chính quyền xã cũng "kêu trời" vì hơn 3,2 km đê này vẫn là đường đất nên xã không đủ tiêu chí để về đích nông thôn mới.

Nhà dân xuống cấp nhưng vẫn bị treo, chưa biết khi nào di dời.

Nhà dân xuống cấp nhưng vẫn bị treo, chưa biết khi nào di dời.

Ông Bùi Hữu Chương, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết, nếu con đê được hoàn thiện theo thiết kế, nước sông Lam sẽ không thể tràn vào khu dân cư khi có lũ. Tuy nhiên, do dự án dang dở, còn mấy trăm mét mặt đê quá thấp nên khi có lũ, nước từ sông Lam dâng lên tràn vào, gây khổ sở cho hàng ngàn hộ dân ở 3 xã.

Đoạn đê cũ đã được xây dựng từ hàng chục năm trước, quá thấp so với mức lũ dâng trên sông Lam. "Dự án bỏ dở quá lâu, xã cũng muốn tự đắp đê để ngăn nước, được chừng nào hay chừng đó nhưng không có kinh phí nên đành chịu. Khi có mưa lũ, xã phải huy động lực lượng túc trực ở đoạn đê này, dùng bao cát để ngăn nước. Khi lũ trên sông lên báo động 2 là nước tràn đê. Nếu lũ nhỏ thì còn ngăn được nhưng lũ lớn lên báo động 3 thì chịu, vì ngăn không xuể", ông Chương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hòa, một người dân xã Thanh Yên cho biết, dự án này bắt đầu từ năm 2012, xã đã thông báo không được xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhà cửa nên gia đình bà và các hộ dân ở đây đều chấp hành vì nghĩ sẽ sớm di dời. Đã 12 năm trôi qua, nhà cửa xuống cấp, hư hỏng nhưng vẫn chưa biết ngày di chuyển nhà, khiến người dân rất bức xúc.

"Chờ mãi nhưng đoạn đê dang dở không thấy thi công. Chúng tôi mong cấp trên có phương án tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện dự án để bảo vệ khu dân cư, nhất là trong mùa mưa bão", bà Hòa kiến nghị.

Đại diện Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, cần khoảng 150 tỉ đồng để hoàn thành dự án này. Tuy nhiên, tỉnh không thể bố trí được số tiền đó, vì vậy đang chờ sự hỗ trợ từ Trung ương và vẫn chưa thể khẳng định thời gian có nguồn vốn.

Gần đây, khi trả lời ý kiến của người dân về dự án, Bộ NN-PTNT cho biết, do nguồn vốn hạn chế, nên dự án vẫn chưa hoàn thành. Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Nghệ An rà soát và sắp xếp thứ tự ưu tiên, thực hiện tốt các nguồn vốn đã được Trung ương bố trí, đồng thời huy động thêm nguồn lực từ địa phương để tiếp tục đầu tư tu bổ và nâng cấp tuyến đê.

Gia Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/song-thap-thom-canh-de-chong-lu-hon-10-nam-dang-do-169241008093259.htm