Sống thấp thỏm trong những căn nhà tạm bợ

'Không biết ngôi nhà này có trụ nổi qua mùa mưa lũ năm nay không?', câu nói nửa đùa, nửa thật của anh Hồ Văn Xoan (sinh năm 1985), hiện sống tại thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông khiến tôi đưa mắt quan sát ngôi nhà cũ kỹ của vợ chồng anh thêm lần nữa. Có lẽ không chỉ anh Xoan mà rất nhiều người dân đang sống trong những căn nhà tạm bợ tại huyện miền núi Đakrông này cũng mang một nỗi lo như thế trong mùa mưa lũ.

 Ngôi nhà xiêu vẹo của gia đình bà Hồ Thị Mó tại xã Vùng Kho, huyện Đakrông - Ảnh: T.P

Ngôi nhà xiêu vẹo của gia đình bà Hồ Thị Mó tại xã Vùng Kho, huyện Đakrông - Ảnh: T.P

Ngôi nhà nhỏ được xây dựng từ hơn 10 năm trước của vợ chồng anh Hồ Văn Xoan đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ mái nhà, cánh cửa cho tới vách bếp đều chằng chịt vết “chắp vá” bằng mấy tấm tôn cũ. Tuy mỗi ngày chăm chỉ làm rẫy rồi tranh thủ thời gian làm thuê cho người khác để kiếm thêm tiền nuôi vợ con nhưng cuộc sống của gia đình anh vẫn rất khó khăn. Năm ngoái trồng được ít sắn, chưa kịp thu hoạch thì lũ tràn về, mất trắng. Thế nên đến hiện tại, dù một nhà 6 người phải sinh hoạt trong không gian chật hẹp, vợ chồng anh vẫn chưa thể xây dựng một ngôi nhà kiên cố để ở.

“Nhiều lúc nhìn cảnh các con nằm ngủ trưa bị nắng chiếu thẳng xuống mặt hay phải chạy quanh nhà tìm chậu hứng nước mỗi khi trời mưa, tôi cũng đau lòng lắm. Có những đêm mưa lớn, cả nhà không ai dám ngủ vì sợ sập! Không biết ngôi nhà này có trụ nổi qua mùa lũ năm nay không?”, anh nói mà ánh mắt cứ nhìn về cơn mưa trắng trời bên ngoài.

Giống như hoàn cảnh của anh Xoan, gia đình bà Hồ Thị Mó (sinh năm 1961), hiện sống tại thôn Vùng Kho, xã Đakrông cũng đang sống trong ngôi nhà dột nát, tạm bợ. Theo lời bà kể, hơn 10 năm về trước có một tổ chức, cá nhân hảo tâm đến hỗ trợ cho bà mấy tấm fibro xi măng để lợp mái nhà. Nhưng qua thời gian dài sử dụng, toàn bộ đều đã xuống cấp. Tường gỗ bao quanh cũng đã mục nát. Bà Mó nói: “Giờ tôi chỉ mong có ngôi nhà kiên cố để ở. Chứ ở trong ngôi nhà xuống cấp, cứ đến mùa mưa lũ lại thấy lo”.

Bí thư Đảng ủy xã Đakrông Hồ Văn Dưm cho biết, hiện toàn xã có 148 ngôi nhà dột nát, tạm bợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công cần được xây dựng, sửa chữa. Thời gian qua, địa phương cũng đã tích cực vận động các cấp, các ngành cùng nhiều đơn vị hảo tâm hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở kiên cố, nhưng số lượng nhà ở dột nát, tạm bợ vẫn còn rất lớn.

Còn tại xã Húc Nghì, huyện Đakrông có khoảng 18 nhà ở của người có công, 39 ngôi nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được xây dựng lại. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đakrông Hồ Văn Bền cho biết, thông qua các chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo của Chính phủ; chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hay nguồn vận động từ các tổ chức, đơn vị, một số hộ nghèo trên địa bàn đã không còn khó khăn về nhà ở. Từ năm 2017 đến nay, thông qua nguồn vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và tỉnh đã có 166 hộ gia đình được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở mới với tổng số tiền là hơn 7 tỉ đồng.

“Dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng chúng tôi cũng đã nỗ lực vận động và hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho các hộ khó khăn trước khi mùa mưa lũ đến. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng nhà ở tạm bợ cần được xây dựng trên địa bàn huyện hiện còn rất nhiều. Hiện tại, ngoài phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện khảo sát, thống kê số lượng nhà ở cần được xây dựng để trình UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng đang vận động, kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài huyện cùng chung tay hỗ trợ để huyện sớm xóa nhà tạm bợ, dột nát cho người dân”, ông Bền nói thêm.

Theo số liệu từ Phòng LĐ,TB&XH huyện Đakrông cung cấp, hiện toàn huyện có tổng cộng 1.247 hộ đang sống trong nhà ở tạm bợ cần được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa. Trong đó 912 hộ nghèo, 198 hộ cận nghèo và 137 hộ người có công. Sau nhiều lần rà soát, kiểm tra, UBND huyện Đakrông đã có báo cáo trình lên UBND tỉnh xem xét hỗ trợ theo đề án “Vận động hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo và hộ có khó khăn về nhà ở; tu sửa nhà ở hộ người có công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”.

Được biết đề án hiện đang trong quá trình thống nhất thời gian thực hiện. Mục tiêu của tỉnh là từ năm 2021 - 2025 phấn đấu vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho 1.500 hộ nghèo; bình quân khoảng 300 hộ/năm; 472 hộ còn lại sẽ thực hiện hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo. Dự kiến tổng nguồn kinh phí cần huy động để xây dựng mới nhà ở cho hộ nghèo là 112,9 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, hàng nghìn hộ dân khó khăn về nhà ở, trong đó có người dân miền núi Đakrông sẽ có nhà mới kiên cố. Họ sẽ không còn phải thấp thỏm lo sợ mỗi lúc mưa bão đến, từ đó có điều kiện tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162349&title=song-thap-thom-trong-nhung-can-nha-tam-bo