Sông Thu Bồn, dòng thanh âm huyền thoại

Có một dòng sông hiền hòa, nên thơ đã đi vào huyền thoại, ký ức của biết bao thế hệ. Ấy là con sông Thu Bồn với nhiều dấu ấn văn hóa sâu đậm, làm nên nét đặc trưng cho người dân xứ Quảng quê tôi. Ngày còn làm văn hóa ở Điện Bàn, tôi đón nhiều đoàn khách là văn nghệ sĩ đến đây để sáng tác. Những đêm trăng chúng tôi trôi theo cùng những chiếc thuyền trên dòng sông đầy thơ mộng với biết bao hoài niệm. Bao nhiêu câu chuyện không đầu không cuối cứ chắp vá nhau về lịch sử một dòng sông lớn quê tôi...

Có một dòng sông hiền hòa, nên thơ đã đi vào huyền thoại, ký ức của biết bao thế hệ. Ấy là con sông Thu Bồn với nhiều dấu ấn văn hóa sâu đậm, làm nên nét đặc trưng cho người dân xứ Quảng quê tôi. Ngày còn làm văn hóa ở Điện Bàn, tôi đón nhiều đoàn khách là văn nghệ sĩ đến đây để sáng tác. Những đêm trăng chúng tôi trôi theo cùng những chiếc thuyền trên dòng sông đầy thơ mộng với biết bao hoài niệm. Bao nhiêu câu chuyện không đầu không cuối cứ chắp vá nhau về lịch sử một dòng sông lớn quê tôi...

Trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm, vùi lấp của thời gian, Thu Bồn vẫn giữ được vẻ đẹp hiền hòa xanh thẳm của mình. “Con sông quê mềm như lụa” như lời bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Anh đã in sâu vào tâm hồn của người dân xứ Quảng. Có vài lần, khi trò chuyện về ca khúc “Thu Bồn ơi” của ông, nhạc sĩ cho rằng trong phút giây bất chợt, cảm xúc tràn về và ông đã viết nên bài hát mà ca từ và giai điệu đẹp như một bài thơ. Một câu hỏi đã bao đời của người dân bản xứ, hỏi để mà hỏi thôi chớ chẳng mấy ai mong lời giải thích: “Ai đặt tên cho dòng sông như tên em đi vào nỗi nhớ”. Vẫn chưa ai kể cho đầy đủ, chỉ biết lời bài hát cứ mãi âm vang không chỉ trong lòng người dân xứ Quảng mà cả khách thập phương.

Sách vở còn ghi, sông Thu Bồn với diện tích lưu vực rộng trên 10 ngàn km2 , một trong những lưu vực sông nội địa lớn nhất Việt Nam. Sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh, thuộc huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn, Đà Nẵng. Thu Bồn như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất Quảng Nam, len lỏi qua những vùng núi non hiểm trở, rồi đổ xuống các cánh đồng phì nhiêu. Trên dòng chảy của mình, sông Thu Bồn đều để lại một dáng dấp, một đặc trưng văn hóa riêng của vùng đất này. Dòng sông Thu nổi tiếng với sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và sự phong phú từ bàn tay, khối óc của người đất Quảng gầy dựng tự bao đời.

Một lần, nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng, người bạn đồng hương sinh ra bên con sông Vu Gia, Đại Lộc quê tôi về thực tế sáng tác ở Điện Bàn. Tôi nhắc lại bài hát “Tiếng hát bên dòng sông” nổi tiếng của anh về con sông này. Ca khúc ấy ra đời đã gần nửa thế kỷ, vậy mà câu hỏi vẫn còn trôi theo tiếng hát của nhiều thế hệ: “Con sông Thu Bồn có từ bao giờ?” cũng chẳng cần ai trả lời, chỉ “nghe điệu lý câu hò âm vang” trong tâm hồn mỗi người con xứ Quảng.

“Ai đã đặt tên cho dòng sông” hay “Con sông Thu Bồn có từ bao giờ”? Những câu hỏi ấy luôn ẩn hiện trong tiềm thức của mỗi người, vẻ đẹp của dòng sông cứ thao thức chở nặng phù sa để lại cho đời những cánh đồng màu mỡ, để cho những tên đất, tên làng Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An... mãi đi vào sử sách với những làng dệt vải Tằm Tang (Duy Xuyên), làng gốm Thanh Hà (Hội An) làm nên một thương hiệu của đất Quảng Nam.

Lễ hội Bà Thu Bồn.

Lễ hội Bà Thu Bồn.

Nhiều người còn cho rằng, từ thuở xa xưa, người Chăm, một trong những thành viên của cộng đồng dân tộc Việt đã từng sinh sống và chịu ảnh hưởng rất lớn của nền văn hóa sông Thu Bồn và họ đã để lại trên mảnh đất này Di sản văn hóa thế giới - Thánh địa Mỹ Sơn. Đó là chưa nói đến những làng quê vốn nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, cùng những bãi ngô, biển dâu xanh tốt, những làng vạn đò ven sông tấp nập, những danh thắng nổi tiếng như Hòn Kẽm Đá Dừng, mỏ than Nông Sơn, làng cây trái Đại Bường...

Con sông Thu Bồn trải qua biết bao sóng gió, bao thăng trầm, lấp vùi của thời gian nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp hiền hòa của riêng mình, nơi đây lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử vĩnh hằng. Lễ hội Bà Thu Bồn diễn ra vào mùa xuân hàng năm vào ngày 12-2 âm lịch trên sông, in đậm yếu tố văn hóa Chăm và tâm linh người Việt. Từ xa xưa người Chăm coi dòng sông Thu Bồn là nguồn sữa mẹ, hiện thân của nữ thần Ganga, vợ của thần Silva (thánh tổ Chăm). Lễ hội này đã được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Thu Bồn luôn rộn tiếng ca và đằm thắm tình người. Những ai tới đây đều ghi nhớ mãi trong lòng.

Các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ đã đến đây và lưu lại nhiều sáng tác hay về dòng sông này như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Thị Kim Cúc, Hoàng Minh Nhân, Phan Huỳnh Điểu... Trong đó phải kể đến một nhà thơ lớn tên thật là Hà Đức Trọng, sinh tại làng Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn; ông đã lấy tên con sông Thu Bồn làm bút danh mang theo suốt cả đời sáng tác của mình. Những câu thơ ông viết về con sông đầy lắng đọng yêu thương: “Sông Thu Bồn ơi! Ta nghe người đương thở/ Vỗ triền miên gội tóc những nương dâu”. Hay: “Anh về với em như con sông về biển/ Chắt chiu dòng nước ngọt nguồn xa/ Hãy nhận lấy dùm anh, con sông nhỏ/ Qua bãi bồi lắng đọng phù sa” (Hôn mảnh đất quê hương). Qua những bài thơ viết về con sông quê của nhà thơ Thu Bồn, người đọc luôn rung động bởi nét đẹp văn hóa quê hương. Với tôi, kỷ niệm khó quên là tuyển tập thơ “Giữa xanh thẳm Thu Bồn” mà các nhà thơ đã đến thăm và gửi lại những cảm xúc sâu lắng, chứa chan tình yêu của mình với con sông huyền diệu này.

Một trong những bài thơ của tôi về con sông Thu Bồn không thể quên là “Nhớ mùa hoa ven sông” viết trong những ngày sau chiến tranh, thời bao cấp: “Nhớ về một thời xa xôi/ Biết bao người đi không về/ Nằm lại ven bờ sông ấy/ Thành hoa nở đẹp làng quê/ Nhớ về ai không nhớ về/ Con đò đêm mưa qua sông/ Lời mẹ dập duềnh sóng nước/ Bềnh bồng theo nỗi chờ trông/ Chiều nay tôi về qua sông/ Rồi mai chia tay lên đường”. Bài thơ này sau đó được nhạc sĩ Đình Thậm phổ thành ca khúc, đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và đặc biệt là trong một đêm trực tiếp truyền hình của VTV bên bờ sông Thạch Hãn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã khóc sau khi nghe nhạc sĩ Đình Thậm ôm đàn guitar trình bày ca khúc này.

Thu Bồn ơi, con sông huyền thoại của bao đời...

NGUYỄN NGỌC HẠNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/song-thu-bon-dong-thanh-am-huyen-thoai-post296934.html