Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia Linga vàng nặng 78,36 gram

Bảo vật quốc gia Linga vàng là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo... của cộng đồng người Chăm trước đây.

Công bố bảo vật quốc gia Linga vàng

Sáng 2/10, tại tháp Pô Sah Inư (Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đã diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng Bình Thuận và Khai mạc Lễ hội Katê năm 2024.

Trước khi buổi lễ diễn ra, đồng bào người Chăm tham quan một số hình ảnh khai quật di tích Po Dam phát hiện Linga Vàng.

Trước khi buổi lễ diễn ra, đồng bào người Chăm tham quan một số hình ảnh khai quật di tích Po Dam phát hiện Linga Vàng.

Ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12, năm 2023.

Ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12, năm 2023.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho rằng: Bình Thuận là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với 35 dân tộc anh em chung sống.

Ngoài người Kinh chiếm đa số, có 4 dân tộc với dân số khá đông như: Chăm, Raglai, K'ho và Chơro.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 78 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cánh được xếp hạng.

Trong đó, có 28 di tích quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh và 4 di sản văn hóa phí vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bảo vật quốc gia Linga vàng của tỉnh Bình Thuận.

Bảo vật quốc gia Linga vàng của tỉnh Bình Thuận.

Đặc biệt, hiện vật Linga bằng vàng được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ năm 2013 tại di tích tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đợt 12, năm 2023 tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024.

Bảo vật quốc gia Linga vàng của tỉnh Bình Thuận có niên đại khoảng thể kỷ VIII-IX, là hiện vật gốc độc bản, quý hiểm, có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, văn hóa, thấm mỹ.

Bảo vật Linga vàng là biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài, được chế tác rất đặc biệt, có trọng lượng 78,36 gram, với tỉ lệ vàng chiếm 90,4 %, còn lại là bạc và đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích trong công tác khai quật, xây dựng hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng tại tháp Po Dam.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích trong công tác khai quật, xây dựng hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng tại tháp Po Dam.

Hiện vật Linga bằng kim loại vàng tại di tích Pô Dam được phát hiện ngay ở địa tầng trong quá trình khai quật khảo cổ, chứa dựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích Pô Dam nói riêng và văn hóa Chăm nói chung.

Bảo vật quốc gia Linga vàng là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của cộng đồng người Chăm trước đây.

Các chức sắc người Chăm tham dự lễ hội.

Các chức sắc người Chăm tham dự lễ hội.

Gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa quốc gia

Để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng đảm bảo hiệu quả, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận Bùi Thế Nhân đề nghị Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo vật quốc gia. Qua đó, nâng cao trách nhiệm trong phối hợp thực hiện bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia.

Nghi lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính.

Nghi lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, sư cả Thường Xuân Hữu - Nghệ nhân nhân dân, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Linga vàng phát hiện qua khai quật khảo cổ tại tháp Po Dam đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

Có thể nói đây là niềm vui, vinh dự và tự hào lớn lao của cộng đồng người Chăm Bình Thuận, khi mà di sản văn hóa do cha ông tạo lập, vun đắp và để lại cho các thế hệ con cháu hôm nay thừa kế, gìn giữ.

"Chúng tôi nhận thức rằng vinh dự càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Cộng đồng người Chăm chúng tôi xin hứa sẽ nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc mình.

Đặc biệt, đối với Lễ hội Katê, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo quản, gìn giữ và phát huy tốt giá trị của Lễ hội để phục vụ đời sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng vốn gắn chặt với cộng đồng người Chăm từ bao đời nay", sư cả Thường Xuân Hữu nói.

Trò chơi dân gian thi giã gạo sáng 2/10.

Trò chơi dân gian thi giã gạo sáng 2/10.

Cũng trong sáng 2/10, tại Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận đã diễn ra nghi lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính, mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục bệ thờ Linga - Yoni và đại lễ cúng tạ ơn Nữ thần Pô Sah Inư, các vị thần linh và ông bà, tổ tiên.

Phần hội là những hoạt động sôi nổi diễn ra tại sân khấu chính như hội thi thổi kèn Saranai và đội nước vượt chướng ngại vật; trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế Nữ thần Pô Sah Inư. Trò chơi dân gian thi giã gạo và bịt mắt đập niêu.

Chị Đồng Thị Hiên, người dân ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc trao đổi với PV Người Đưa Tin.

Chị Đồng Thị Hiên, người dân ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc trao đổi với PV Người Đưa Tin.

Ghi nhận của PV, không khí nơi đây rất sôi động, đồng bào người Chăm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến tham dự rất đông.

Trao đổi với PV, chị Đồng Thị Hiên, người dân ở xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc) cho hay, năm nào vào ngày này bà con người Chăm tập trung về đây để đón Lễ hội Katê.

Ý nghĩa về lễ hội này giúp cho người Chăm có cái Tết vui vẻ, đầm ấm với gia đình. Đồng thời, đây là dịp để bà con cầu nguyện giúp mùa màng bội thu và cuộc sống người Chăm ở tỉnh được bình an.

"Tôi là người Chăm trong tỉnh Bình Thuận. Cứ hàng năm vào tháng 7 Chăm lịch, tôi rất vui mừng được tham dự Lễ hội Katê. Năm nay, tôi thấy lễ hội trưng bày đồ vật của các vị vua chúa hồi xưa rất có ý nghĩa. Nhờ vậy tôi mới biết và phổ biển lại cho con cháu sau này, để tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà", sư cả Thông Kỳ (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) cho hay.

Sư cả Thông Kỳ trao đổi với PV.

Sư cả Thông Kỳ trao đổi với PV.

Nguyễn Đắc Phú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chiem-nguong-bao-vat-quoc-gia-linga-vang-nang-7836-gram-204241002111215841.htm