Sống thú vị - với sách
'Có quá nhiều trường học dạy con người ta thành công, giàu có; nhưng dường như không có nơi nào dạy con người ta sống thú vị. Và, con người ta chỉ có thể tìm thấy điều đó từ những trang sách cùng chính sự trải nghiệm hiểu biết của mình'.

Dù có tuổi, nhiều người vẫn giữ thói quen tra cứu và đọc sách mỗi ngày.
1. Sách - kho tri thức quý báu của nhân loại. Trong mọi thời đại, việc đọc sách luôn được coi trọng, đề cao.
Nhà bác học Lê Quý Đôn, nhân vật lịch sử nổi tiếng với sự hiểu biết uyên thâm đã khẳng định: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Trong sách “Kiến văn tiểu lục”, ông đã “bộc bạch” về sự học, sự đọc của bản thân: “Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng lời dạy lúc qua sân, lại được giao du nhiều với bậc hiền sĩ đại phu, thêm vào đấy, phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt bắc sang sứ Trung Quốc, mặt tây bình định Ai Lao, mặt nam trấn thủ Thuận Quảng, đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe, đều dùng bút ghi chép”.
Trí thông minh, sự kiệt xuất của nhà bác học Lê Quý Đôn là chuyện không phải bàn cãi. Song chính ông cũng đã thừa nhận về sự nỗ lực tìm tòi, đọc, học và “ghi chép” mọi lúc, mọi nơi của mình. Để rồi, sau khoảng 250 năm, sách “Kiến văn tiểu lục” của ông vẫn là tác phẩm giá trị về văn học, địa lý, lịch sử,... để lại cho đời.
Nhà văn đương đại Trần Nhã Thụy, một cây viết với nhiều tác phẩm ấn tượng được độc giả đón nhận, trong cuốn tạp văn “Trong và ngoài căn phòng tôi” đã chia sẻ: “Tôi vẫn nghĩ rằng, tiền nhân đã công phu chép sách, mình chỉ bỏ ra chút tiền mua sách về đọc để cho sáng láng cái đầu,... mà mình còn lười nhác, thì thật chẳng ra thể thống gì. Cho nên, khi có chút tiền dư, tôi lại đi mua sách, mang về cất trong tủ, để mỗi khi rảnh rỗi lại lật giở, lần hồi”.
Không chỉ đọc sách cho bản thân, tác giả sách “Trong và ngoài căn phòng tôi” còn chú trọng đến việc định hướng, chuyện đọc cho các con: “Thật ra mà nói, thì việc mà tôi thấy mình cần phải làm nhất, phải làm cho bằng được là khuyên nhủ con cái nên đọc sách. Làm người mà không đọc sách, không biết trọng tri thức, không trau dồi luân lý thì thành ra tầm thường. Có quá nhiều trường học dạy con người ta thành công, giàu có; nhưng dường như không có nơi nào dạy con người ta sống thú vị. Và con người ta chỉ có thể tìm thấy điều đó từ những trang sách cùng chính sự trải nghiệm hiểu biết của mình”.
2. Mẹ tôi là một giáo viên. Bà về hưu đã hơn 20 năm. Ở tuổi gần bát tuần, khi mắt đã kém và tai có phần ngễnh ngãng, mỗi ngày bà vẫn dành khoảng thời gian nhất định cho việc đọc sách báo. Những cuốn sách đã theo mẹ tôi suốt cả những năm tháng đứng trên bục giảng, giờ vẫn được mẹ tôi giữ gìn cẩn thận. Mẹ tôi thường nói, sách như một người bạn tốt, giúp ta đến với chân trời tri thức, hay những miền đất mới, nên chẳng có lý gì lại đối xử không tốt với bạn của mình. Khi còn trẻ đọc sách giúp bồi đắp kiến thức để truyền dạy cho học sinh được tốt hơn. Giờ đây có tuổi, việc đọc thường xuyên giúp trí óc được hoạt động - để thấy cuộc đời nhiều niềm vui.

Bạn trẻ đến nhà sách tìm mua những cuốn sách yêu thích.
Tôi nhớ, những ngày chị em chúng tôi còn nhỏ. Ngày ấy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Đến một bộ sách giáo khoa còn được “truyền” qua nhiều thế hệ. Vậy nên những cuốn sách - ngoài sách giáo khoa, với những đứa trẻ sinh ra từ làng như chúng tôi khi ấy, thực sự đáng quý.
Thời bấy giờ, không có nhiều sự lựa chọn, nên tôi đọc bất cứ thứ gì có thể, từ truyện tranh, truyện cổ tích, sách văn học... Lớn hơn một chút, bố tôi thỉnh thoảng lại “dấm dúi” cho thêm ít tiền mỗi khi tôi được điểm cao. Và tôi mang số tiền ấy “gửi” hết ở bà chủ cửa hàng cho thuê sách ngoài cổng trường... Ngày ấy, những cuốn sách dù cũ kĩ đã giúp tôi có một tuổi thơ nhiều niềm vui hơn.
Cho đến bây giờ, dù không cố định nhưng mỗi khi có thời gian rảnh, tôi thường ghé nhà sách. Để ngắm nhìn những cuốn sách còn mới tinh được xếp ngay ngắn trên giá rồi chọn lấy một vài cuốn yêu thích, lật giở qua lại những trang sách trước khi quyết định mua. Và mỗi khi mua sách, tôi thấy như mình đang đầu tư - một sự đầu tư lâu dài, chẳng bao giờ sợ lỗ.
Còn có một điều “kéo” tôi đến nhà sách mỗi khi rảnh rỗi, còn là bởi ở đấy có những người trẻ yêu sách. Tôi thích được ngắm nhìn những cô cậu học trò say mê lựa chọn những cuốn sách, trông thật đẹp...
3. Người Việt lười đọc sách - đến bây giờ vẫn là câu chuyện chưa cũ, khiến những người yêu văn hóa đọc không khỏi trăn trở. Làm thế nào để lan tỏa, phát triển văn hóa đọc? Có lẽ không nên chỉ dừng lại ở những hô hào khẩu hiệu, mà cần sự thay đổi của mỗi người.

Việc hình thành văn hóa đọc được bắt đầu từ khi còn trẻ.
Chị Trần Nguyệt (nhân viên Bệnh viện Mắt Thanh Hóa) một người mẹ trẻ có ba con đều đang tuổi đến trường. Các con của chị đều là những đứa trẻ thích đọc sách. Mỗi khi các con đạt thành tích tốt trong học tập thì phần thưởng chị dành cho con chính là những cuốn sách mới.
Chia sẻ về việc tạo lập, hình thành thói quen đọc sách cho các con, chị Trần Nguyệt cho biết: “Nếu là một đứa trẻ đang bắt đầu “làm quen” với văn hóa đọc, hãy để bạn nhỏ đọc bất cứ thứ gì mình thích. Khi việc đọc đã trở thành thói quen, có kỹ năng thì bạn trẻ sẽ biết cách làm thế nào để lựa chọn cho bản thân những cuốn sách phù hợp. Tôi từng đọc được ở đâu đó câu nói khá hay, đại ý, việc đọc với trẻ không phải là một bài tập, mà nên được xem như món quà. Và những đứa trẻ vẫn thường thích được tặng quà hơn là những mệnh lệnh ép buộc”.
Đọc sách không chỉ giúp con người ta tiếp cận với “kho báu” của nhân loại, việc đọc còn mang đến những điều thú vị, để mỗi người sống một cuộc đời ý nghĩa hơn. Nhà văn, nhà biên kịch lừng danh thế giới George Raymond Richard Martin từng nói: “Người đọc sống hàng nghìn cuộc đời trước khi chết, người không bao giờ đọc chỉ sống một cuộc đời”.
Một trong những khẩu hiệu nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 là “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Tạo lập thói quen đọc sách - hình thành văn hóa đọc không chỉ là câu chuyện chỉ của riêng người trẻ, bởi sự đọc chẳng bao giờ là đủ, việc đọc cũng không bao giờ là muộn. Ngày hôm nay luôn là ngày tốt nhất, để mỗi người bắt đầu một hành trình mới - với sách.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/song-thu-vi-voi-sach-36716.htm