Sống trong các siêu đô thị
Với chủ đề 'Tất cả bắt đầu từ nhà: Hành động địa phương vì các thành phố và cộng đồng bền vững', Diễn đàn Đô thị thế giới lần thứ 12 (WUF12) tổ chức tại Ai Cập đã khép lại với lời kêu gọi cần có giải pháp thích hợp khi tốc độ đô thị hóa đang rất mạnh mẽ.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 20.000 đại biểu từ hơn 170 quốc gia trên thế giới. Tham dự WUF12 còn có một số nguyên thủ quốc gia và các nhân vật quốc tế nổi tiếng, trong đó Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Châu Á chiếm 7/10 siêu đô thị của thế giới
Phát biểu tại WUF12, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi nêu rõ WUF12 diễn ra vào thời điểm quan trọng khi thế giới đang phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu liên tiếp, bao gồm các cuộc chiến tranh tàn khốc và hậu quả nghiêm trọng của xung đột đối với các thành phố, cộng đồng đô thị và mọi tầng lớp xã hội. “Chúng ta phải có những nỗ lực nghiêm túc để giải quyết những thách thức đô thị ngày một cấp bách” - ông Abdel-Fattah El-Sisi nhấn mạnh.
Diễn đàn có tới 500 phiên họp và hội thảo để trao đổi những hiểu biết cũng như ý tưởng về các vấn đề phát triển đô thị và các thách thức. Kể từ năm 2002, WUF được triệu tập 2 năm một lần tại các thành phố khác nhau trên toàn thế giới. WUF được công nhận là sự kiện quan trọng thứ hai của Liên hợp quốc sau Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu.
Càng ngày, đô thị càng nổi lên như một thách thức của thế giới. Trong mọi trường hợp, sự gia tăng dân số đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ở một số thành phố lớn, làm nảy sinh những lo ngại lớn về ô nhiễm và tình trạng quá tải. Nhìn vào những siêu đô thị có thể thấy hành tinh đang ngày càng trở nên quá tải. Tới nay thế giới có 10 siêu đô thị thì có 7 trong 10 thành phố đông dân nhất nằm ở châu Á, bao gồm: Osaka (Nhật Bản - 19,2 triệu người); Bắc Kinh (Trung Quốc - 19,4 triệu người); Mumbai (Ấn Độ - 20,1 triệu người); Dhaka (Bangladesh - 20,2 triệu người); Cairo (Ai Cập - 20,4 triệu người); Thành phố Mexico (Mexico - 21,6 triệu người); Sao Paulo (Brazil - 21,8 triệu người); Thượng Hải (Trung Quốc - 26,3 triệu người); Delhi (Ấn Độ - 29,3 triệu người); Tokyo (Nhật Bản - 37,4 triệu người).
Thích nghi để chung sống
Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân căn bản dẫn tới những khó khăn mà các siêu đô thị gặp phải, làm gia tăng những hệ lụy sẵn có. Trong đó có việc các thành phố lớn phải chống chọi với nắng nóng.
Theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (C3S), nhiệt độ trung bình năm 2024 đã vượt mốc kỷ lục của tất cả các năm, kể từ khi dữ liệu nhiệt độ toàn cầu được ghi lại vào năm 1850. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn với các thành phố lớn và đông dân, nơi hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” có thể khiến nhiệt độ ở những khu vực tập trung nhiều tòa nhà bêtông nóng hơn tới 10 độ C so với các khu vực xung quanh.
Việc sống chung và thích nghi với biến đổi khí hậu là điều không thể tránh khỏi. Do đó, nhiều thành phố trên thế giới đã thử nghiệm một số giải pháp để ứng phó với nắng nóng và nhiệt độ tăng cao. Những tán cây xanh chính là một trong những biện pháp ứng phó hiệu quả nhất trước hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, bóng râm của cây xanh có tác dụng làm mát hơn từ 11-20 độ C so với dưới ánh nắng trực tiếp.
Để ứng phó, chính quyền các đô thị đã tăng cường trồng cây lấy bóng mát, cùng đó là lắp đặt hệ thống mái hiên tạo bóng mát dọc dãy phố cho người đi bộ và mua sắm.
Một số nơi như thành phố Ahmedabad (Ấn Độ), nơi nhiệt độ vào mùa hè thường xuyên lên tới 50 độ C, người ta đã sơn mái nhà màu trắng nhằm tăng hiệu quả phản chiếu. Bên trong các ngôi nhà này, nhiệt độ giảm từ 3-5 độ C.
Chưa hết, nhiều nơi chính quyền còn áp dụng biện pháp phun sương hạ nhiệt. Trong đó có thành phố Vienna (Áo) đối phó nắng nóng bằng cách sử dụng vòi sen phun sương làm mát thành phố. Có 22 khu vực được trang bị vòi sen phun sương và hệ thống phun nước thông minh tự động kích hoạt khi nhiệt độ tăng trên 35 độ C. Vòi sen phun sương có đặc điểm là tiêu thụ ít nước mà vẫn có thể hạ nhiệt độ môi trường từ 5-10 độ C.
Một biện pháp khác cũng rất đáng chú ý khi giới kiến trúc sư khôi phục kỹ thuật xây dựng truyền thống và vật liệu tự nhiên. Francis Kéré - kiến trúc sư người Burkina Faso từng đoạt giải Pritzker, đã thiết kế các tòa nhà thoáng đãng, mát mẻ bằng cách sử dụng đất sét, đá ong, cành bạch đàn và gỗ mục một cách sáng tạo. Các công trình trường học do ông thiết kế tại quê hương cho thấy cách xây dựng một không gian thoải mái trong thời tiết cực kỳ nóng mà không cần điều hòa.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, nữ kiến trúc sư Anupama Kundoo nổi tiếng với những tòa nhà có khả năng chống chọi với nắng nóng do bà thiết kế hoàn toàn được xây dựng bằng vật liệu có nguồn gốc bản địa.
Theo Liên hợp quốc, ở thời điểm hiện tại khoảng 55% dân số thế giới đang sống trong các khu vực thành thị. Con số này sẽ tăng lên 68% vào năm 2050. Khi quá trình đô thị hóa tăng tốc, 5 trong số những thách thức lớn nhất mà các thành phố phải đối mặt trong tương lai bao gồm: Những mối đe dọa từ thiên nhiên, tài nguyên hạn chế, bất bình đẳng, ứng dụng công nghệ và chất lượng quản lý. Riêng mối đe dọa từ thiên nhiên thường thấy nhất bao gồm lũ lụt, lốc xoáy nhiệt đới (các thành phố ven biển rất dễ bị ảnh hưởng), sóng nhiệt và dịch bệnh.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/song-trong-cac-sieu-do-thi-10294218.html