Sống trong phong tỏa: Thích nghi điều kiện bình thường mới
Tuy có nhiều khó khăn, bất tiện và thay đổi, song cuộc sống trong vòng phong tỏa vẫn tiếp diễn và người dân đang dần thích nghi với hoàn cảnh sống chung với dịch.
Lễ kết nạp Đảng cho 3 đoàn viên ưu tú phường Tân Thuận Tây sáng 21/7
Bình thường mới
Đều đặn mỗi ngày, chiếc xe thu gom rác 3 bánh của anh Trần Trung Phương vẫn nổ phành phạch và luồn lách vào từng ngóc ngách của khu phố. Có khác chăng, từ ngày khu phố bị phong tỏa, giờ lấy rác không trồi sụt như trước mà ổn định vào đêm khuya. “Đi đêm muộn để hạn chế ảnh hưởng đến mọi người”, anh Phương giải thích. Thêm nữa, xe rác phải qua đến mấy chốt kiểm soát hoặc hàng rào phong tỏa. Những hàng rào nằm sâu trong các ngõ hẻm thường không người trực nên anh Phương phải tự dỡ cho xe qua, xong việc tự rào lại. Công đoạn ấy mất khá nhiều thời gian, nhưng với anh, phải chấp nhận và thích nghi với hoàn cảnh dịch dã.
Khoảng 10 giờ đêm ngày phong tỏa thứ tư, điện bỗng vụt tắt, cả xóm tối om. Mọi người vội nhoài người nhìn ra đầu đường theo quán tính. Trên đầu cột điện ngoài đầu ngõ lửa cháy bừng bừng do chập điện hoặc quá tải, khói tỏa mịt mù. Mọi người bấm máy gọi điện lực. Một lúc sau, bốn công nhân ngành điện cùng đầy đủ trang thiết bị lao đến và tiến hành xử lý. Chừng 30 phút sau, điện sáng trở lại. Ông Phạm Việt Anh - Phó Ban Truyền thông Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, lực lượng vận hành lưới điện luôn trực chiến 24/24 để đảm bảo xử lý sự cố nhanh nhất có thể, dù là khu vực bị phong tỏa.
Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 diễn ra, cũng là lúc con trai lớn của tôi “khai giảng” năm học mới, chính thức bước vào lớp 12. Ngày hai buổi con đều đặn ngồi vào bàn, bật máy học online (trực tuyến). Hai ngày cuối tuần, cả hai con đều tham gia khóa học tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ, cũng bằng hình thưc trực tuyến. Suốt năm học trước đó, các con đã có nhiều khoảng thời gian phải học trực tuyến bởi dịch bùng phát, nhưng đây là lần đầu tiên một năm học được khởi đầu bằng hình thức học trực tuyến. Tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, dự báo việc học trực tuyến còn tiếp tục kéo dài. Giáo viên và học sinh đều đã thích nghi và xem việc dạy-học trực tuyến là hoạt động bình thường trong hoàn cảnh hiện tại.
Từ ngày bị phong tỏa, phải ở yên trong nhà, vợ tôi vẫn làm việc mỗi ngày thông qua internet và điện thoại. Công việc của công ty vẫn trôi chảy, các hợp đồng, đơn hàng, chứng từ vẫn được giải quyết như bình thường. “Quan trọng là mình biết sắp xếp, tổ chức”, vợ tôi nói. Từ ngày làn sóng dịch thứ tư bùng phát tại TPHCM, Công ty Sáng tạo Bồ Công Anh, có trụ sở tại phường Tân Thuận Tây hạn chế rồi tiến tới đóng cửa và cho tất cả nhân viên làm việc tại nhà trước khi phong tỏa. Anh Đinh Hùng Tới- Giám đốc công ty chia sẻ, do đặc thù hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo nên dù ngồi làm việc ở đâu, mọi người vẫn phát huy được sức sáng tạo với nhiều ý tưởng độc đáo và biến nó thành hiện thực. Việc điều hành hoạt động của công ty được anh Tới triển khai trên nền tảng internet nên “việc vẫn chạy ào ào”, đảm bảo tiến độ cho khách hàng.
Gian nan thử sức
Buổi kết nạp Đảng do Đảng ủy phường Tân Thuận Tây diễn ra sáng ngày 21/7 rất khác thường, ngay chốt kiểm soát dịch ở đầu đường 15, khu phố 4. Ba đoàn viên ưu tú vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng là Phạm Võ Đăng Khoa, Đặng Huỳnh Thanh Hòa và Trần Minh Nhật đều thuộc Chi đoàn Dân quân - Chiến sĩ Dân quân thường trực phường. Cả ba trong bộ áo quần bảo hộ xanh kín từ đầu đến chân và đeo kính chống giọt bắn đứng tuyên thệ trước cờ Đảng. Anh Nguyễn Xuân Huỳnh-Bí thư Đoàn phường Tân Thuận Tây cho biết, ba đoàn viên này luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, không ngại khó. Trong đợt phòng chống dịch COVID-19, cả ba luôn đi đầu trên mọi lĩnh vực, tham gia tuần tra, canh gác tại các điểm phong tỏa; tham gia hỗ trợ điều phối công tác tiêm phòng; đến những điểm nóng về dịch để truy vết các F0, F1 để hỗ trợ khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch lây lan trên diện rộng.
Anh Huỳnh cũng cho biết, kể từ khi dịch bùng phát, Đoàn phường tổ chức một đội xung kích gồm 10 đoàn viên và thanh niên tình nguyện tham gia công tác hỗ trợ các hoạt động chống dịch, từ tham gia điều phối lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn đến tiếp nhận, vận chuyển lương thực, thực phẩm cứu trợ người dân... “Mọi người làm việc không kể giờ giấc, bất cứ lúc nào có việc cũng sẵn sàng, kể cả nửa đêm, gà gáy…”, anh Huỳnh nói. Để an toàn và thuận tiện cho công tác, các thành viên đội tình nguyện này thường xuyên được test nhanh COVID-19 và đều tập trung ăn, ở tại trụ sở UBND phường. Anh Huỳnh cũng cho biết, hai trong số các thành viên nhóm tình nguyện này đã được làm hồ sơ phát triển Đảng vì có nhiều thành tích, nỗ lực trong hoạt động phòng chống dịch tại địa phương thời gian qua. Đó là Đinh Tiến Vũ và Nguyễn Thành Duy, cùng sinh hoạt tại Chi đoàn khu phố 4.
Tình người trong hoạn nạn
-Chuẩn bị tiếp nhận, phân phát hàng cứu trợ, cháu nhé!
Mỗi lần nghe bà Tổ trưởng khu dân phố gọi hay nhắn tin về “chuyện bao đồng”, dù bận kiểu gì tôi cũng cố gắng sắp xếp tham gia. Những ngày đầu, hàng hóa cứu trợ còn rất ít. Sốt ruột, bà Tổ trưởng tăng cường “ngoại giao” để đem về cho người dân trong xóm ít rau xanh. Vì tất bật lo nhiều việc, sức khỏe bà Tổ trưởng suy giảm, không cáng đáng nổi những việc nặng nhọc như vận chuyển, phân phát hàng hóa cứu trợ đến hàng trăm hộ dân. Tôi tình nguyện giúp bà Tổ trưởng gánh vác việc này. Thấy tôi xắn tay vào việc, một số người khác cũng cởi bỏ những e ngại ban đầu để san sẻ công việc cùng tôi, ai cũng nhiệt tình, không nề sớm trưa, kể cả khi mưa gió. Nhờ sự kết nối tốt từ phường đến khu phố, rồi tổ dân phố, những cân gạo, gói mì, bó rau, con cá, quả trứng…từ các Mạnh thường quân nhanh chóng đến tay mọi người dân, do đó tình trạng thiếu thực phẩm dần giảm nhiệt.
Nhờ nhận được sự quan tâm kịp thời, tâm lý người dân không còn quá căng thẳng như những ngày đầu phong tỏa, dù dịch vẫn diễn biến phức tạp, các ca F0 ngày càng nhiều. Mọi người quen dần với cuộc sống bình thường mới, sống chung với COVID nhưng không quên đề cao tinh thần cảnh giác phòng chống dịch.
Trong thời gian phong tỏa hay giãn cách, mọi người có cơ hội khai thác triệt để thế mạnh của Internet cho công việc của mình, từ làm ăn đến học hành, giải trí. Không gian mạng cũng giúp mọi người kết nối cùng nhau dễ dàng hơn trong tình cảnh đi lại vô cùng khó khăn bởi phong tỏa, giãn cách được siết chặt. Đó là sự thích ứng trong cuộc sống bình thường mới.
Trong những ngày khó khăn, điều dễ nhận thấy là tình làng nghĩa xóm được hâm nóng, mọi người gần gũi, cởi mở, quan tâm, chia sẻ và cả nhường nhịn nhau nhiều hơn. Ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng không những không lụi tàn mà còn được nhóm lên ấm áp, xua tan không khí u ám và tâm lý hoang mang, lo lắng...