'Sóng' vẫn nổi ở cả 3 'mặt trận'
Dù thời gian kỳ họp thứ hai rút ngắn gần một nửa so với thông lệ của các kỳ họp cuối năm, Quốc hội vẫn dành thời gian xem xét diễn biến trên cả 3 lĩnh vực: chống dịch, chống tham nhũng và phát triển kinh tế. Dưới ánh sáng nghị trường, 'sóng' vẫn nổi ở cả 3 'mặt trận'.
Gia tăng tội phạm kinh tế
Nếu như 10 năm trước, cứ mỗi khi nhắc đến tham nhũng là cả diễn đàn Quốc hội (QH) tràn ngập không khí bức xúc. Nay, tình hình đã không còn khiến đại biểu ức chế như năm xưa. Như đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, qua đó góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Dẫu vậy, ở mặt trận này, chưa rõ lúc nào mới đến ngày “biển lặng trời yên”, khi các vụ tội phạm tham nhũng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo nhận định của Ủy ban Tư pháp, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp. Có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Nguồn: Báo cáo Chính phủ. Đồ họa: Hồng Vân
Trong năm 2021, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục... Đáng chú ý, đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
“Phải xử lý kịp thời, dứt điểm và kiên quyết không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19” - đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nhấn mạnh - “vì hậu quả của những vi phạm này không chỉ đơn thuần về kinh tế mà còn là hậu quả về tinh thần, ý chí, tác động không nhỏ đến lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ”.
Và trong khi “sóng” ở khu vực nhà nước có vẻ tạm lắng thì “sóng” ở khu vực ngoài nhà nước lại nổi lên một cách đáng lo ngại. Năm 2021 là năm thứ ba thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, với nội dung mở rộng đối tượng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Do đại dịch nên số cuộc thanh tra, kiểm tra ở khu vực này giảm 74% số đơn vị so với năm 2020, nhưng số vụ việc phát hiện tham nhũng vẫn tăng mạnh. Cụ thể, năm 2020 tổ chức 49 đoàn kiểm tra chỉ phát hiện 2 vụ; trong năm 2021 chỉ kiểm tra 13 đơn vị nhưng phát hiện dấu hiệu tham nhũng ở cả 13 vụ.
Gia tăng cảnh đời đói nghèo
Trên mặt trận chống dịch, Ủy ban Xã hội của QH thấy rằng, Chính phủ đã tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc kịp thời trình Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) ban hành về một số nội dung khác luật hoặc luật chưa quy định hoặc vượt thẩm quyền. Ngoài ra, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết và trước hết.
Khó nhọc ngân sách nhà nước
Theo giám sát của Ủy ban Xã hội, tác động về mặt xã hội của đại dịch rất lớn và chưa được đánh giá đầy đủ. Có tình trạng lao động tự do phản ánh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách…
Một quãng đường đầy khó nhọc ở phía trước đang chờ ngân sách nhà nước, khi ủy ban này thấy rằng, nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch trong thời gian tới dự báo là lớn nhưng nguồn huy động từ xã hội giảm dần, chính vì vậy, ngân sách nhà nước vẫn sẽ là nguồn lực chính. Trong khi đó, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ngân sách trung ương năm nay dự kiến hụt thu khá lớn, với mức khoảng 28 - 29 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, mặt trận chống dịch vẫn đầy sóng gió. Ủy ban Xã hội chỉ ra việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là về hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ngoài ra, công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát; chưa thực hiện nguyên tắc cách ly tạm thời ngay từ đầu để làm xét nghiệm rộng, căn cứ vào kết quả xét nghiệm để thu hẹp phạm vi cách ly; trong khi nguồn nhân lực hạn chế thì chưa huy động hiệu quả sự tham gia của y tế tư nhân. Nhiều loại thuốc dùng cho điều trị bệnh nhân Covid-19 chưa được bảo hiểm y tế thanh toán. Các cơ sở y tế hạn chế mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ trách nhiệm. Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch còn lúng túng, có lúc, có nơi còn chưa kịp thời…
Trên mặt trận kinh tế, không khó để dự cảm “sóng” ở mặt trận này sẽ khiến gia tăng cảnh đói nghèo. GDP cả năm ước chỉ đạt 3%, thấp hơn khoảng 3 điểm % so với mục tiêu QH giao và thấp hơn 3 - 3,5 điểm % so với mục tiêu tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ. 4/12 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra gồm tốc độ tăng GDP; GDP bình quân đầu người (khoảng 3.660 - 3.680 USD so với mục tiêu khoảng 3.700 USD); tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng (28% so với mục tiêu khoảng 45 - 47%); Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (khoảng 0,5 - 1% so với mục tiêu khoảng 1 - 1,5%).
Vấn đề “địa phương”
Một vấn đề nổi lên của năm 2021 chính là vấn đề “địa phương” mà các báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội trình bày ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai đều phải nhấn mạnh đến. Đó là: Tình trạng sợ chịu trách nhiệm, cứng nhắc. Văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của trung ương và chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các địa phương. Một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật. Công tác chỉ đạo, điều hành đôi lúc còn lúng túng, thiếu thống nhất. Việc phân cấp cho các địa phương thời gian qua chưa thật chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận, công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam do biến chủng Delta lây lan nhanh, hết sức nguy hiểm, khó lường. Các địa phương vẫn còn tình trạng thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở. Việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho nhân dân.
Vấn đề “địa phương” cũng được nhắc đến khi Ủy ban Tư pháp nêu về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Ủy ban này dẫn ra báo cáo SIPAS 2020 (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính), 57/63 địa phương để xảy ra tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 48/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải nộp tiền ngoài phí, lệ phí, tăng 2 tỉnh so với năm 2019. Tỷ lệ người dân đi lại một lần mà giải quyết xong thủ tục hành chính chỉ đạt 29,69%; 55,71% người dân phải đi lại tới hai lần mới giải quyết được thủ tục hành chính…
Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/song-van-noi-o-ca-3-mat-tran-94355.html