'Sống xanh' - phải bắt đầu từ thực tế

'Sống xanh, sống thân thiện với môi trường' được nhắc đến rất nhiều trong khoảng thập niên trở lại đây.

Các em học sinh đang tham gia hoạt động ủ phân hữu cơ.

Các em học sinh đang tham gia hoạt động ủ phân hữu cơ.

"Sống xanh, sống thân thiện với môi trường" được nhắc đến rất nhiều trong khoảng thập niên trở lại đây.

Ðó là lối sống "thức thời" cho mỗi công dân của Trái đất ở thế kỷ 21, khi mà tất cả chúng ta đều đang cảm nhận rất rõ rằng, cách ứng xử vô tình của mỗi người ngay trong cuộc đời này đối với thiên nhiên, môi trường đang nhận lại hệ lụy cay đắng. Thực tế cho thấy, vấn đề nhận thức và hành động bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững cần được đưa vào các nội dung kiến thức và hoạt động giáo dục tại nhà trường.

Tuy nhiên, đưa vào cách nào cho hiệu quả mà không mang tính hình thức, không dừng lại ở phong trào? - đó là câu hỏi cần đặt ra.

Tôi từng nghe các em nhỏ trò chuyện, nói về ngày hội tái chế của trường là "sau ngày hội rác còn ngập lên hơn!". Hoặc có em bảo: "Ùi, ai nghèo thì hẵng lo tiết kiệm điện, nước. Nhà mình đủ tiền trả, hà tiện làm gì?!"... Giờ Trái đất các em coi như một trò chơi, không có cảm giác thấm thía gì lắm về ý nghĩa của việc tắt điện trong một giờ đồng hồ ấy.

Trong câu chuyện ngày hôm nay, tôi muốn nhắc lại về dự án "Em học sống xanh" do Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và môi trường (C&E), Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị, với kinh phí tài trợ của Chương trình Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Ðiển (SIDA) và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Kế hoạch hành động quốc tế (GAP) triển khai từ năm 2011. Tôi được may mắn đồng hành cùng dự án với vai trò cố vấn giáo dục, chuyên gia tập huấn phương pháp giảng dạy và chuyển thể tài liệu, cập nhật thông tin phù hợp học sinh Việt Nam. Nay dự án đã kết thúc. Chúng tôi vẫn tiếp tục chia sẻ với các trường học, các gia đình cách làm thú vị này. Một cách làm đúng đã cho kết quả ngọt ngào: Những em học sinh từng tham gia hoạt động của chúng tôi giờ đã lớn. Hầu hết các em đều kể, sau khi học các chủ đề về sống xanh, các em không thể đi ra khỏi phòng mà không tắt điện, không thể thấy rác mà không nhặt, mua đồ thì luôn dừng lại để ngẫm nghĩ xem có nên không, đã cần chưa... Cá nhân tôi, sau một thời gian đồng hành với dự án, tôi cũng không thể tặc lưỡi đổ một chậu nước rửa rau đi mà luôn có thùng, vại giữ lại dùng tưới cây. Tinh thần sống xanh đã ngấm mà không cần bất kỳ phần thưởng, điểm số, khen ngợi hoặc sự tung hô nào. Và đó là cách làm bền vững.

Với trường học, giáo dục sống xanh có thể tích hợp vào nội dung hoạt động trải nghiệm, tự nhiên xã hội.

Học sinh có thể thực hiện các quan sát, nghiên cứu, khảo sát nghiêm túc về thực trạng môi trường ở trường lớp, nơi ở của mình, tính toán đưa ra số liệu cụ thể để đánh giá phong cách sống của mình. Chương trình chúng tôi đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm, bảng "kiểm toán" để học sinh thực hiện ở trường và ở nhà. Các hoạt động thảo luận, phân tích, tìm thông tin thực tế, thí nghiệm, đưa ra phương án giải quyết vấn đề, các hoạt động trò chơi, diễn tiểu phẩm, giao lưu nhân vật... là những việc giáo viên cần biết cách tổ chức và hướng dẫn trẻ tham gia. Chỉ có vậy, học sinh mới có cơ hội tiếp cận thực tế, nhìn thấy các vấn đề thật của mình, gia đình mình và xã hội, nhận ra mình cần thay đổi thái độ và điều chỉnh hành vi... Trước khi dạy trẻ "phải làm gì", cần dẫn dắt để học sinh nhìn chung quanh, trải nghiệm, nhận xét, đánh giá. Cuộc sống thực tế, các vấn đề thực tế chính là động lực để các em tham gia hành động. Chẳng hạn, học sinh tìm hiểu về giá tiền điện, tiền nước, so sánh với thu nhập của bố mẹ. Học sinh đưa ra các phương án để tiết kiệm điện, nước, giảm mua sắm, giảm rác thải... trên cơ sở thấy việc thay đổi lối sống là nhu cầu tự thân mình. Các kết quả làm được sẽ được chia sẻ, thảo luận kỹ trong các buổi sinh hoạt lớp, học theo dự án...

Chương trình có thể đưa ra các chủ đề trải nghiệm như trải nghiệm ở vườn rau hữu cơ, quan sát việc tập kết rác, thực hành ủ phân hữu cơ từ các thức ăn thừa trong bếp ăn nhà trường, giao lưu với các chuyên gia hoặc nhân viên môi trường, khảo sát vấn đề dùng túi ni-lông trong một vài siêu thị, chợ... ở địa bàn gần trường v.v.

Tuổi trẻ thích khám phá, ham hiểu biết. Việc tổ chức các hoạt động khám phá, trải nghiệm sẽ tạo động lực để học sinh áp dụng các phương án sống xanh vào cuộc sống thực tế của mình. Việc lắng nghe chia sẻ, phản hồi của các em trong giờ sinh hoạt lớp sẽ cổ vũ các em tiếp tục hành động, dần hình thành niềm tự hào với bản thân từ những việc nhỏ nhất mình làm được. Từ lúc phân vân "làm hay không làm" đến việc "đã làm", rồi làm nhiều lần, thường xuyên... Quá trình đó sẽ khiến hình thành thói quen và lối sống bền vững. Và đây chính là chìa khóa của thành công.

THỤY ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/-song-xanh-phai-bat-dau-tu-thuc-te-630436/