Sống xanh trong đại dịch
Phong trào thu gom rác thải được các hội, nhóm thực hiện trên cơ sở đảm bảo an toàn theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ảnh: CTV
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, các phong trào thu gom, tái chế rác thải để bảo vệ môi trường vẫn được các cá nhân, tổ chức duy trì trong điều kiện bảo đảm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Hơn lúc nào hết, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường được quan tâm.
Duy trì phong trào thu gom rác thải
Chủ nhật, các thành viên của nhóm Hành trình xanh Sơn Hòa ra quân thu gom rác thải khu vực hồ Sen ở thị trấn Củng Sơn. Khác với nhiều đợt ra quân trước, đợt này nhóm phối hợp với Trường THPT Phan Bội Châu cùng thực hiện. Nhóm trưởng Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết: Duy trì hoạt động trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên nhóm tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng dịch.
Thành viên tham gia đeo khẩu trang trong suốt quá trình thu gom, mỗi nhóm gom rác không quá 10 người và đảm bảo khoảng cách an toàn giữa từng thành viên. Từ khi có dịch bệnh, tần suất các buổi thu gom tuy ít hơn nhưng nhóm kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền nên đã tăng hiệu quả nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Nhóm phối hợp với các trường học, các xã trên địa bàn huyện và tổ chức tại những điểm công cộng để tác động trực tiếp đến cả thành viên lẫn người dân.
Không riêng Hành trình xanh Sơn Hòa mà nhiều nhóm hành trình xanh tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh cũng ra quân vào những ngày cuối tuần. Như Hành trình xanh Tuy An thu gom rác thải tại biển Gành Đỏ vào thứ bảy. Cũng thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, việc đầu tiên thành viên của Hành trình xanh Tuy An làm là rửa tay sát khuẩn trước khi thu gom. Riêng tại thành phố, thị xã, các hoạt động phong trào thu gom rác thải đang góp phần giảm thiểu, nâng cao ý thức cộng đồng về chiến dịch đô thị giảm nhựa.
Theo anh Nguyễn Lê Duy, Phó Bí thư Đoàn Khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh, đơn vị thường xuyên phối hợp với các hội, nhóm tổ chức thu gom rác thải nhựa tại Vũng Rô, Hòn Yến và dọc bờ biển ở TP Tuy Hòa. Đoàn khối còn phối hợp với Trường cao đẳng Nghề Phú Yên thu gom bạt nhựa để tái chế thành các sản phẩm như túi xách, túi trồng cây, hộp bút.
Đồng thời duy trì mô hình thu gom pin cũ đã phát động đến các chi đoàn từ năm 2020; đến nay đã thu gom được 200kg pin cũ và gửi ra Bình Định để xử lý đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, thời gian tới, Đoàn Khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh xây dựng mô hình Ngôi nhà xanh thu gom rác thải, trong đó lấy chai nhựa làm gạch xây hố ủ phân compost. Đây sẽ là mô hình điểm để nhân rộng nhằm nâng cao ý thức giảm thiểu rác thải nhựa trong cộng đồng.
Bà Đào Thị Kim Chi, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh (Sở TN-MT) cho biết: Thời gian qua, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh trung bình 524 tấn/ngày. Bên cạnh hoạt động phong trào của các hội đoàn thể thì công tác thu gom tại các đơn vị ngày một hiệu quả. Số đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom rác từ 28 đơn vị (năm 2016) đã tăng lên 44 đơn vị, phương tiện và tần suất thu gom tăng từ 7 xe lên 40 xe. Nhờ đó, tỉ lệ rác được thu gom cũng tăng từ 55% lên 85,5%.
Nhân lên những mô hình tái chế rác
Sở TN-MT phối hợp với Hội Người cao tuổi xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) triển khai mô hình khu dân cư phân loại, tái chế rác thành phân compost tại thôn Nam Giang. Ông Trần Đức Hiển, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Sơn Giang, cho biết: Mô hình triển khai từ giữa năm 2020 với hàng chục hộ tham gia. Các hộ được hướng dẫn quy trình làm phân compost từ rác thải và được hỗ trợ 1 thùng nhựa đựng rác.
Mô hình thành công sẽ giúp người dân không chỉ chủ động được nguồn phân hữu cơ thường xuyên để bón cho rau màu mà còn bảo vệ được môi trường, vừa tiết kiệm chi phí vừa sản xuất ra nông sản sạch. Hiệu quả thiết thực này sẽ giúp thay đổi dần thói quen và nhận thức của người dân về phân loại rác thải sinh hoạt.
Theo Sở TN-MT, trong năm qua, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban ngành, các hội đoàn thể tổ chức nhiều mô hình điểm về bảo vệ môi trường. Có thể kể đến mô hình cơ sở thờ tự thân thiện môi trường tại Thánh thất Cao Đài TX Sông Cầu và Nhà thờ Mằng Lăng huyện Tuy An; khu sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường tại trang trại Lâm Viên ở huyện Tuy An; mô hình tự quản về quản lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại xã An Thạch, huyện Tuy An; phân loại, giảm thiểu rác tại nguồn ở khu dân cư tại thôn Nam Giang, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh và thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, TX Đông Hòa.
Các mô hình được triển khai nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường.
Đồng thời giúp tăng cường cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường, đơn vị sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền bằng việc cụ thể hóa các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn cụ thể việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn theo quy định, việc tuyên truyền sẽ được chuyển hướng thông qua các cơ quan truyền thông, các trang điện tử, mạng xã hội...
Theo Sở TN-MT, thời gian tới, để nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường, đơn vị sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền bằng việc cụ thể hóa các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn cụ thể việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn theo quy định, việc tuyên truyền sẽ được chuyển hướng thông qua các cơ quan truyền thông, các trang điện tử, mạng xã hội...
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/256395/song-xanh-trong-dai-dich.html