Sống xứng đáng với thế hệ đi trước

Tại buổi họp mặt kỷ niệm, nhiều đại biểu đã chia sẻ những kỷ niệm đáng quý, những ý kiến và nguyện vọng sâu sắc, xác đáng

Vinh dự được phục vụ đất nước

Anh hùng Lao động, GS-TSKH - Thầy thuốc Nhân dân Trần Đông A từng là thiếu tá, bác sĩ trong bộ máy chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Tiếng tăm của ông trong ngành y khoa không chỉ trong nước mà cả thế giới mấy chục năm qua đã phải nể phục. Tại buổi gặp gỡ, nhiều lần GS Trần Đông A phải tạm dừng nói bởi những tràng vỗ tay không ngớt của các đại biểu.

Xúc động nhớ lại 2 ca mổ tách cặp đôi song sinh dính liền Việt - Đức năm 1988 và Trúc Nhi - Diệu Nhi năm 2020, Thầy thuốc Nhân dân Trần Đông A cho biết cả hai cặp song sinh này đều thuộc loại song sinh dính nhau bụng chậu - một trong những loại khó nhất trên thế giới và được ngành phẫu thuật nhi coi là một sự thách đố. Trong đó, ca Việt - Đức năm 1988 đặc biệt khó khăn. Vào thời điểm ấy, trước cặp song sinh Việt - Đức, trên thế giới mới chỉ có 6 ca tương tự được mổ, trong đó 2 ca sống cả 2 bé, 2 ca chết cả 2 bé, còn 2 ca thì một bé sống, một bé chết. Ca Việt - Đức còn đặc biệt khó bởi Việt bị bại não sau khi bị viêm não cấp. "Khi đó, dù Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đã đồng ý đưa cặp song sinh sang Nhật mổ nhưng chính phủ Nhật Bản không cho mổ vì sợ mổ chết sẽ làm mất danh dự của họ. Nhưng nếu không mổ thì Việt có thể chết bất cứ lúc nào và lúc đó Đức cũng sẽ chết theo" - bác sĩ Trần Đông A kể lại.

Thời điểm này, Việt Nam đang trong giai đoạn bị cấm vận cực kỳ ngặt nghèo, thiếu nhiều loại thuốc. Do đó, Việt Nam phải mổ cho cặp song sinh Việt - Đức trong hoàn cảnh rất khó khăn và chưa có tiền lệ trong y văn thế giới. Bác sĩ Trần Đông A được chọn là trưởng ê-kíp và phẫu thuật viên chính. Ông cũng được tự chọn những người cộng tác cho ca phẫu thuật. Tuy nhiên, lúc ấy cả Việt Nam chỉ có bác sĩ Trần Đông A là phẫu thuật viên nhi được đào tạo bài bản. Các thành viên còn lại đều là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình nhưng chỉ chuyên phẫu thuật cho người lớn. "Cả thế giới đều nói người lớn có thể điều trị như một đứa trẻ nhưng ngược lại có thể là thảm họa" - ông cho hay.

Biểu diễn văn nghệ ca ngợi chiến thắng, tình yêu quê hương, đất nước... tại buổi họp mặt sáng 28-4Ảnh: TẤN THẠNH

Biểu diễn văn nghệ ca ngợi chiến thắng, tình yêu quê hương, đất nước... tại buổi họp mặt sáng 28-4Ảnh: TẤN THẠNH

Sau 7 tháng thảo luận chi tiết từng tình huống, dù là xấu nhất, ca mổ đã diễn ra thành công như dự kiến và cả 2 bé đều được cứu sống. Sau đó, Việt dù bị bại não vẫn tiếp tục sống thêm 19 năm, còn Đức sống khỏe mạnh đến bây giờ, lập gia đình rồi có 2 con. "Đó là vinh dự của tôi" - GS Trần Đông A bộc bạch.

Ông kể thêm: Sau thành công của ca mổ Việt - Đức, thế giới rút ra mấy bài học. Thứ nhất là bài học cuộc sống về tài năng của ê-kíp mổ. Hai là bài học về sự can đảm của Đức - đứa bé 8 tuổi nhưng xin được phẫu thuật dù biết có thể chết trên bàn mổ.

Vị chuyên gia tài năng này tâm sự rằng mỗi năm đến ngày 30-4 ông đều rất xúc động bởi đất nước hòa bình, thống nhất chính là ước mơ ấp ủ bao lâu. Ước mơ mà đời ông nội và cha của ông chưa thể làm được, khi trở thành hiện thực chính là động lực giúp ông vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, góp phần cho sự phát triển chung của đất nước. "Tôi thật sự vinh dự khi được phục vụ đất nước sau ngày thống nhất và có đóng góp nhất định" - GS Trần Đông A trải lòng.

GS Trần Đông A (ảnh trên) và ông Lê Văn Kiểm giao lưu với các đại biêủẢnh: TẤN THẠNH

GS Trần Đông A (ảnh trên) và ông Lê Văn Kiểm giao lưu với các đại biêủẢnh: TẤN THẠNH

Miệt mài đền ơn đáp nghĩa

Ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, người 2 lần được phong Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - là một trong những người có mặt trong đoàn quân vào tiếp quản Sài Gòn ngày 30-4-1975. Hòa bình lập lại, ông nghĩ ngay đến việc góp phần xây dựng đất nước trong thời bình, để người dân có được cuộc sống ấm no hơn. Đến nay, Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành. Ngoài những hoạt động về kinh tế, các doanh nhân này đã quay lại "trả ơn đời" với nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa, từ thiện cho gia đình chính sách, cựu binh…

Tại buổi gặp mặt, khi được người dẫn chương trình gọi là "người hùng trong công tác từ thiện", ông Lê Văn Kiểm nói giản dị: "Đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng của người lính chúng tôi. Đó là sự đóng góp của rất nhiều doanh nhân cựu chiến binh cả nước, với tổng số tiền 338 tỉ đồng".

Người cựu chiến binh anh hùng gửi gắm thêm: "Thế hệ trẻ - những người được sinh ra trong thời bình - được tiếp cận khoa học công nghệ, hãy làm những việc xứng đáng với những tấm gương cha anh đã hy sinh cho nền độc lập hôm nay. Đó là mong muốn lớn nhất của thế hệ chúng tôi khi cầm súng chiến đấu cho độc lập, thống nhất"!

Mong muốn được cống hiến

Ông Trương Tiến Dũng (sinh năm 1975) - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn - bày tỏ mong muốn xây dựng thương hiệu lớn, uy tín của TP HCM để lan tỏa ra cả nước và quốc tế. Ông cho biết sẽ xây dựng doanh nghiệp phát triển, sớm chuyển đổi số, đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tri Quang, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, khẳng định đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân TP HCM không ngừng dấn thân, không chỉ để làm giàu cho doanh nghiệp mà còn cho xã hội, cộng đồng để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của các thế hệ đi trước. Hội Doanh nhân trẻ TP HCM xác định mục tiêu là đột phá để tạo ý tưởng mới, lan tỏa các hoạt động hơn nữa...

NGUYỄN PHAN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/song-xung-dang-voi-the-he-di-truoc-20210428212603056.htm