Sốp Cộp đồng hành tiêu thụ nông sản cho người dân
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay, huyện Sốp Cộp đã xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án và chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn vào cuộc, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân tiêu thụ nông sản.
Huyện Sốp Cộp có hơn 458 ha cây cà phê, trong đó, 300 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 500 tấn cà phê khô; gần 160 ha nhãn, 36 ha cho thu hoạch sản lượng đạt 414 tấn; 611 ha cây xoài, 82 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 420 tấn; 389 ha cam, quýt, sản lượng 450 tấn quả; 133 ha mận, sản lượng trên 90 tấn...
Vụ nhãn vừa qua, huyện Sốp Cộp có sản lượng quả tươi đạt hơn 400 tấn. Tuy nhiên, năm nay do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ nhãn gặp nhiều khó khăn. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án nâng cao giá trị, tổ chức tiêu thụ nhãn; hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các HTX theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa người dân - HTX - doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Hỗ trợ các HTX xây dựng kho lạnh bảo quản; tổ chức tham quan, học tập quy trình chế biến long nhãn tại các địa phương có kinh nghiệm, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trên địa bàn ưu tiên sử dụng nông sản và các sản phẩm từ nhãn của huyện. Kết quả, hơn 355 tấn nhãn đã tiêu thụ, chuyển chế biến long nhãn thành hơn 35 tấn long nhãn khô, đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng nhãn cho nông dân.
HTX Châu Thinh, xã Mường Và có 8 thành viên, chuyên cung ứng vật tư nông nghiệp và thu mua nông sản cho bà con. Ông Lò Văn Châu, Giám đốc HTX, cho biết: HTX đã đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng kho lạnh với diện tích 52 m² và 3 lò sấy long nhãn hơi nhiệt đảm bảo sạch, an toàn. Năm nay, HTX đã thu mua gần 500 tấn nhãn của bà con trong huyện Sốp Cộp, Sông Mã và Mai Sơn để làm long nhãn. Ngoài ra, HTX còn bao tiêu, sơ chế 10.000 tấn ngô bắp, sắn và 300 tấn thóc. Sản phẩm nông sản sau sơ chế được xuất thẳng về cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) đảm bảo thu mua với giá cao cho bà con.
Đối với diện tích cây ăn quả có múi, toàn huyện có hơn 20 ha cây gồm cam, quýt, bưởi được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng. Các loại quả đang vào mùa thu hoạch, huyện đang khuyến khích các HTX liên kết với các doanh nghiệp thu gom bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Tại xã Mường Và, bà con nông dân đang vào vụ thu hoạch cam, quýt. Bà Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đang xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm cam của Nà Mòn; khuyến khích thành lập các HTX để liên kết tiêu thụ nông sản và thực hiện kỹ thuật canh tác, cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản theo tiêu chuẩn của VietGAP. Hiện, toàn xã có 4 HTX về lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, qua đó đảm bảo bao tiêu hàng trăm nghìn tấn nông sản/năm như thóc, ngô, sắn, cam, quýt... Ngoài ra, xã tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm cam địa phương tại các cuộc giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại do huyện, tỉnh tổ chức.
HTX Nông nghiệp Duy Lợi, bản Nà Mòn, xã Mường Và, có 9 thành viên, với 13 ha cam, trong đó, 12 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Vì Văn Doan, Giám đốc HTX Duy Lợi, cho biết: HTX trồng chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép hoặc có nguồn gốc từ hữu cơ, sinh học. Với cách làm này, chất lượng cam Nà Mòn không ngừng được nâng lên, thị trường tiêu thụ luôn ổn định, tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm quả của HTX. Vụ năm nay, HTX xuất bán được hơn 100 tấn quả với giá 25.000 đồng/kg.
Đồng hành tiêu thụ nông sản cho bà con, ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, thông tin: Huyện đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, hình thành các chuỗi sản xuất bền vững. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ và mở rộng thị trường; tìm kiếm, thu hút, liên kết các doanh nghiệp, thương lái để thu gom, bao tiêu, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản của các HTX, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Ngoài ra, huyện tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo chuyên sâu, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất đảm bảo sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nâng cao chất lượng để liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông sản thuận lợi hơn cho người dân.
Dự báo, việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn sẽ còn gặp khó khăn do tác động dịch bệnh Covid-19, vì vậy, bên cạnh việc huyện hỗ trợ xây dựng lò sấy mini, kết nối với các siêu thị, nhà máy chế biến thì các HTX và người nông dân cũng cần chủ động quảng bá, giới thiệu và đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống mạng xã hội facebook, thúc đẩy tiêu thụ nông sản ngày một tốt hơn...