Sốp Cộp mở rộng diện tích cây ăn quả
Phát huy tiềm năng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Sốp Cộp chú trọng phát triển cây ăn quả, đưa các loại cây trồng, nhất là cây có lợi thế, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Theo định hướng đến năm 2030, huyện Sốp Cộp phấn đấu trồng khoảng 3.500 ha cây ăn quả, tập trung tại các xã Mường Và, Mường Lạn, Dồm Cang, Sốp Cộp, Nậm Lạnh, Púng Bánh, Mường Lèo. Các loại cây ăn quả chủ lực, gồm xoài, nhãn, cam, quýt, dứa, mận, bưởi và nhóm cây ăn quả ôn đới khác. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân áp dụng kỹ thuật nhân giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, tưới nước tiết kiệm, kỹ thuật xử lý ra hoa và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tăng cường áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ; ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo, tỉa cành, tạo tán. Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã mở 21 lớp tập huấn tự nguyện cho 630 nông dân về kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả.
Đồng thời, từng bước trồng thay thế các vườn cam già cỗi, nhiễm bệnh, năng suất và hiệu quả thấp, bằng các giống mới; sử dụng cây giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh; kỹ thuật phòng, chống các loại sâu bệnh hại. Nâng cao tỷ lệ các giống quýt mới có khả năng sinh trưởng khỏe, ít hoặc không hạt, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp cho ăn tươi và chế biến... Huyện cũng tập trung hướng dẫn các xã áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP..., sản xuất theo hướng hữu cơ, mã số vùng trồng, đảm bảo nông sản đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu. Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, tổ chức thẩm định giống cây ăn quả đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ trồng mới, trồng tái canh và ghép cải tạo vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện.
Từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai 24 mô hình và dự án nhân rộng mô hình phát triển cây ăn quả trên 286 ha, với 693 hộ được hỗ trợ trên 380 nghìn cây giống các loại, trên 268 tấn phân bón, 4 hệ thống tưới tiết kiệm. Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đánh giá: Các mô hình phát triển cây ăn quả cơ bản đạt hiệu quả, đến nay nhiều diện tích trồng mới đã cho thu hoạch ổn định và tạo thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng đất so với các cây trồng khác. Qua việc triển khai các mô hình, dự án cũng đã góp phần đưa diện tích cây ăn quả từ 358 ha năm 2015, lên trên 2.235 ha năm 2024, với sản lượng trên 3.000 tấn; trong đó, có 51 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 10 ha được cấp mã số vùng trồng.
Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, xã Sốp Cộp đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đưa các giống cây ăn quả, cây trồng mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Đến nay, xã có 182 ha cây ăn quả, với các loại cây xoài, nhãn, mận, cam, bưởi... trong đó, có gần 160 ha đã có sản phẩm, sản lượng trên 102 tấn. Anh Tòng Văn Châm, bản Nó Sài, xã Sốp Cộp, chia sẻ: Trước đây gia đình tôi trồng 2 ha lúa, sắn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2021, gia đình quyết định chuyển sang trồng bưởi, năm ngoái cây bắt đầu bói quả, năm nay cây phát triển tốt và đậu quả nhiều hơn.
Đến nay, có 6 mô hình cây ăn quả đã cho thu hoạch, huyện đang hướng dẫn nhân dân đầu tư, thâm canh và chăm sóc đúng kỹ thuật để duy trì, phát triển và nhân rộng. Tuy nhiên, còn 13 mô hình đạt hiệu quả chưa cao, do sau khi triển khai thiếu sự hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên, các hộ chưa chủ động đầu tư, chăm sóc, một số hộ không sử dụng phân bón đúng liều lượng, định mức và mục đích hỗ trợ. Còn 5 mô hình không hiệu quả, do chưa thực sự phù hợp với điều kiện đất đai, thiếu tập trung, nguồn nhân lực và trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu.
Đối với những mô hình không hiệu quả, huyện tiếp tục quy hoạch lại diện tích phù hợp; hỗ trợ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hại, chọn lọc, cải tạo giống; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, như: Trám đen, mít, cây ngắn ngày... Đồng thời, đưa các mô hình mới vào sản xuất, như: Thâm canh cây ăn quả theo hướng VietGAP, chú trọng các loại cây ăn quả chủ lực cam, bưởi, xoài; mô hình cải tạo vườn tạp; mô hình vườn ươm quy mô nông hộ; mô hình khảo nghiệm giống nhãn chín muộn, cam chín sớm, lê đường, hồng giòn...
Nhờ những nỗ lực chính quyền các cấp và nhân dân, diện tích và sản lượng cây ăn quả trên địa bàn huyện Sốp Cộp tăng đáng kể, góp phần cải thiện thu nhập cho nhân dân, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.