Sốp Cộp tăng cường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được các cấp, các ngành chức năng huyện Sốp Cộp đã quan tâm thực hiện, nâng cao nhận thức về công tác này của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
mẫu thực phẩm tại Trường PTDT nội trú THCS & THPT Sốp Cộp.
Sốp Cộp hiện có 512 cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, điểm chế biến thực phẩm..., để đảm bảo công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, hằng năm, huyện phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tổ chức các lớp tập huấn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới cho các thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan, UBND các xã tổ chức kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm định kỳ, đột xuất; triển khai thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào các dịp cao điểm, như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các nhà sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng rau, thịt an toàn “Nói không với chất cấm chăn nuôi”; thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia; vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến rau, thịt, vệ sinh cá nhân, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm; tăng cường kiểm soát giết mổ động vật tại các chợ trung tâm; chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Năm 2019, đã tổ chức ký cam kết an toàn thực phẩm đối với các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh; phổ biến, tuyên truyền đến từng cán bộ, người dân tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trường PTDT nội trú THCS & THPT Sốp Cộp hiện có 301 học sinh, nhưng có số lượng lớn học sinh vừa học, vừa ăn ở tại trường, đòi hỏi nhà trường đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, đảm bảo đầy đủ các hồ sơ về hành chính, pháp lý và nghiêm chỉnh chấp hành đúng các điều kiện an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, giúp học sinh có sức khỏe tốt. Thầy giáo Lường Văn Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường đã thành lập Ban an toàn thực phẩm gồm 5 người, do một đồng chí Phó Hiệu trưởng phụ trách. Việc kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm được thực hiện hằng ngày với 3 bước nhận và bàn giao thực phẩm, chế biến và lưu trữ mẫu thực phẩm. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên kiểm tra đột xuất. Nhiều năm nay, nhà trường không có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm.
Trao đổi thêm với bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, được biết trong năm 2019, huyện đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, 24 đoàn kiểm tra cấp xã vào các dịp cao điểm. Qua kiểm tra 187 lượt cơ sở, đã phát hiện, xử lý 30 cơ sở vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 26 triệu đồng, tiêu hủy tại chỗ các sản phẩm không đạt chất lượng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là thực phẩm quá hạn sử dụng, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và hạ tầng, Đội Quản lý thị trường số 6 triển khai kiểm tra 40 vụ, xử lý 17 vụ vi phạm, phạt hành chính trên 25 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu phát mại 22 triệu đồng. Huyện cũng thường xuyên kiểm tra các điểm giết mổ động vật, thu mua và bán các sản phẩm gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm... Qua kiểm soát giết mổ 803 con gia súc, gia cầm, không phát hiện vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra, cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng được tiến hành chặt chẽ. Trong 226 đối tượng phải xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm thuộc ngành Công Thương quản lý, các cơ quan chuyên môn huyện xác nhận 34 đối tượng; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Y tế quản lý cho 9 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống...
Phát huy kết quả, Sốp Cộp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, đào tạo tập huấn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phù hợp với các nhóm đối tượng; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm đúng quy định, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.