Sốp Cộp xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Cùng với mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, những năm qua, huyện Sốp Cộp chú trọng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Nhiều sản phẩm nông sản của huyện đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng.
Sốp Cộp có trên 1.360 ha trồng lúa, hơn 2.170 ha trồng cây ăn quả, gần 100 ha trồng cây dược liệu các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Mường Và, Nậm Lạnh, Mường Lèo, Mường Lạn, Sam Kha, Sốp Cộp. Hằng năm, huyện hỗ trợ nông dân trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn ghi nhãn mác hàng hóa, mã số, mã vạch; đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, đánh giá chất lượng sản phẩm cấp huyện, lựa chọn, đề xuất các sản phẩm tham dự đánh giá cấp tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các hộ, HTX, tổ hợp tác duy trì, phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương.
Gạo nếp tan Mường Và là loại nếp ngon đặc biệt, được đồng bào dân tộc ở xã Mường Và gieo trồng từ nhiều đời nay. Trung bình mỗi vụ, bà con gieo cấy hơn 200 ha giống tan hin, tan nhe, tan đỏ, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn thóc/năm. Năm 2018, lúa nếp tan được cấp chứng nhận bảo hộ, thương hiệu “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”; năm 2019, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Bà Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Mường Và, cho biết: Từ khi gạo nếp tan Mường Và có thương hiệu và đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, giá cả và đầu ra ổn định. Sản phẩm đã được bày bán tại các chợ, siêu thị trong, ngoài tỉnh và được bán trên sàn thương mại điện tử, giúp nông dân địa phương yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao.
Từ khi triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến nay, huyện Sốp Cộp đã hỗ trợ hơn 550 triệu đồng cho các hộ, HTX, doanh nghiệp để thiết kế bao bì, in ấn nhãn mác, tem và thiết kế website... Đến nay, huyện có 3 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao. Ngoài ra, còn đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cam, quýt xã Mường Và, dứa mật xã Sam Kha, sản phẩm “Thịt trâu gác bếp Tân Cương” của HTX Toản Duyên, “Viên hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp” của HTX Long Hiếu và các sản phẩm dược liệu khác...
Là một trong những HTX tiên phong trong xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện, HTX Long Hiếu đang trồng các loại cây sa nhân đỏ, khôi nhung, cát sâm, gừng.
Anh Lại Đình Hiến, Giám đốc HTX Long Hiếu, chia sẻ: HTX đã đầu tư cho 11 thành viên trồng gần 30 ha cây dược liệu, hơn 10 ha cây ăn quả tại xã Nậm Lạnh, Mường Lèo. Trong đó, 20 ha đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Năm 2022, sản phẩm “Viên hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp” của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thời gian tới, HTX tiếp tục vận động các thành viên sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sạch, an toàn.
Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, huyện tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng như VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp.
Huyện Sốp Cộp phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 có thêm từ 4 sản phẩm trở lên được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 15 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; trên 50 ha cây ăn quả trồng theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP..., góp phần tăng năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất.