Sốt đất cục bộ hạ nhiệt, khó xảy ra bong bóng bất động sản
Theo các chuyên gia, động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thị trường bất động sản phải kể ra là sự nỗ lực của Chính phủ nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu và tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tốc độ phủ vắc-xin cao và việc đường bay quốc tế được mở lại.
Giá bất động sản tăng mạnh
Báo cáo của Bộ Xây dựng công bố mới đây về thị trường bất động sản (BĐS) cho thấy, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm.
Giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) trong quý IV/2021 tăng nhẹ so với quý trước. Giá giao dịch cụ thể tại một số dự án như sau: Căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2; căn hộ trung cấp có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2 đến trên 40 triệu đồng/m2; căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2
Giá giao dịch bình quân nhà ở riêng lẻ, đất nền tại một số địa phương trong quý IV/2021 tiếp tục tăng so với quý trước. Tại Hà Nội, một số dự án có mức độ tăng giá giao dịch bình quân cao trong quý. Cụ thể, khu di dân Đền Lừ III (quận Hoàng Mai) có giá khoảng 160 triệu đồng/m2, dự án Văn Khê (Hà Đông) có giá khoảng 168 triệu đồng/m2, khu đô thị Tân Tây Đô (Đan Phượng) có giá khoảng 75 triệu đồng/m2,...
Sốt đất cục bộ hạ nhiệt, khó xảy ra bong bóng bất động sản. Ảnh: T.L
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, một số dự án cũng có mức độ tăng giá giao dịch bình quân cao trong quý: Dự án Saigon Mystery Villas (Quận 2) có giá khoảng 210 triệu đồng/m2, dự án KDC Nam Long (Quận 9) có giá khoảng 85 triệu đồng/m2, dự án Jamona Home Resort (TP.Thủ Đức) có giá khoảng 60 triệu đồng/m2), dự án Làng Đại học ABC (Huyện Nhà Bè) có giá khoảng 75 triệu đồng/m2.
Tại TP. Đà Nẵng, giá giao dịch bình quân tại một số dự án như sau: Dự án One River (Ngũ Hành Sơn) có giá khoảng 61,0 triệu đồng/m2, dự án The Sun City Eco Island (quận Cẩm Lệ) có giá khoảng 48,3 triệu đồng/m2.
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 - 7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%; giá đất nền tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá của bất động sản, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Vietnam cho rằng, do nguồn cung mới (cả căn hộ và đất nền) còn giới hạn, trong khi đó nhu cầu vẫn rất tích cực (thể hiện ở tỉ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới hàng quý vẫn ở mức 70 - 75%). Do đó, các chủ đầu tư chủ động tận dụng tình trạng này, tăng giá lên mặt bằng mới để đạt lợi ích/hiệu quả cao nhất.
"Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng như chi phí tài chính, vật liệu xây dựng, lạm phát, chi phí đất,…Các dự án được đầu tư tốt hơn để gia tăng chất lượng nhằm tăng tính cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ngoài ra, nhiều dự án có giá bán tăng ở các giai đoạn bán hàng tiếp theo, có tiến độ xây dựng tốt (thậm chí sắp sửa bàn giao nhà)", ông Hoàng lý giải.
Hiện tượng tăng nóng giá đất nền hạ nhiệt
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính Phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại TP.Đà Nẵng,…). Đến nay, theo báo cáo của các địa phương thì hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản là khó xảy ra.
Bộ Xây dựng dự báo, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022. Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 – 2009).
Theo các chuyên gia BĐS, nếu đại dịch Covid-19 được khống chế tốt, 2022 sẽ là một năm đầy sôi động của thị trường BĐS. Các động lực quan trọng nhất phải kể ra là sự nỗ lực của Chính phủ nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu và tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tốc độ phủ vắc-xin cao và việc đường bay quốc tế được mở lại.
Về dài hạn, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và một số điều kiện thuận lợi khách quan về vị trí địa lý hay dân số trẻ sẽ giúp nhiều phân khúc BĐS có sức cầu đáng kể, là điều kiện để thị trường BĐS tiếp tục năng động và phát triển./.