Sốt đất cục bộ tại một số địa phương

Chính sách tín dụng thận trọng đã giữ cho thị trường vẫn ổn định về tổng thể.

Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết trong quý I-2022 chứng kiến tình trạng sốt đất cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường...

“Hiện tượng này đang được các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả” - Hội Môi giới BĐS Việt Nam nêu trong báo cáo quý I thị trường BĐS mới nhất.

Theo hội, thị trường BĐS Việt Nam năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. BĐS được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới do mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp và đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.

Hồi tháng 3-2022, sốt đất cục bộ đã xảy ra tại huyện Đồng Phú, Bình Phước sau đề xuất xây dựng cầu Mã Đà. Ảnh: LÊ ÁNH

Hồi tháng 3-2022, sốt đất cục bộ đã xảy ra tại huyện Đồng Phú, Bình Phước sau đề xuất xây dựng cầu Mã Đà. Ảnh: LÊ ÁNH

Ngoài ra, hội cũng cho rằng có những tín hiệu từ thị trường thời gian qua cần xem xét như đã xuất hiện bong bóng cục bộ, giá đất nền các khu vực tăng theo các dự án, giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.

“Tuy nhiên, chính sách tín dụng thận trọng đã giữ cho thị trường vẫn ổn định về tổng thể. Cơ quan chức năng đang tập trung mạnh vào củng cố thể chế và hành lang pháp lý” - Hội Môi giới BĐS đánh giá.

Hội cũng cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, trái phiếu doanh nghiệp BĐS nói riêng cần một giải pháp đồng bộ và hiệu quả để phát triển lành mạnh. Quan ngại của các cơ quan quản lý nhà nước thường bắt nguồn từ sự bất đối xứng thông tin giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư (cá nhân hay tổ chức). Chính vì vậy, việc đánh giá hạn mức tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu là vô cùng cần thiết. Hạn mức tín nhiệm cho phép nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát đủ khách quan để đánh giá những rủi ro có thể khi đầu tư vào doanh nghiệp thông qua trái phiếu.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đề ra một cơ chế kiểm tra hiệu quả với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngay từ bước gửi hồ sơ, thay vì phát hiện sai phạm và hủy bỏ các thương vụ đã phát hành thành công, gây tâm lý xáo trộn không đáng có cho thị trường.

Tại thị trường BĐS Hà Nội, giá BĐS nhà ở cuối quý I tăng nhẹ 4,5%-6% so với đầu năm. Trong khi đó tại Lâm Đồng, nhu cầu về BĐS nghỉ dưỡng, BĐS sinh thái tại các TP lớn tăng đáng kể sau thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19. Mặt trái của tình hình tăng trưởng phân khúc BĐS sinh thái là việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của tỉnh.

Tình hình Tây Nam bộ quý I có 24 dự án nhà ở với khoảng 1.500 sản phẩm được chào bán ra thị trường; giao dịch đạt được khoảng 582 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ đạt gần 40%.

Tình hình mua bán đất thổ cư, đất trong dân vẫn diễn ra khá sôi nổi. Tuy nhiên, thanh khoản nhanh vẫn tập trung ở một số sản phẩm căn nhỏ, diện tích dưới 40 m2, trong hẻm nhỏ thuộc nội đô TP, mức giá từ 2 tỉ đồng trở xuống.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/sot-dat-cuc-bo-tai-mot-so-dia-phuong-post678615.html