Sốt đất ở xứ Trầm Hương, 'cò' chạy loạn xạ
Những ngày gần đây khắp các vùng ven của Khánh Hòa (còn gọi là xứ Trầm Hương), người từ khắp nơi đổ xô về săn đất. Nhiều loại đất được rao bán rầm rộ...
Từ khi nghe tin một tập đoàn lớn có ý định đầu tư các khu đô thị ở huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh thì giá cả đất đai cũng "nóng" dần lên. Mỗi ngày nườm nượp người đổ về các vùng quê này để săn đất.
Ông Lê Đức Th (từ Hà Nội) săn lùng đất ở Cam Lâm nhiều ngày nay cho biết: "Dự đoán sẽ có các dự án lớn hình thành ở đây nên mua đi bán lại sẽ có lời. Đang "sốt đất" nên mua càng sớm càng tốt. Không chỉ đất ở mà đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm cũng sẵn sàng bỏ tiền mua để đón đầu dự án kiếm lời lớn trong tương lai".
Ở khắp các vùng ven ở Cam Lâm thậm chí những xã xưa nay chỉ sản suất nông-lâm nghiệp thuần túy nay cũng náo loạn việc mua bán đất.
Theo mục tiêu phát triển đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vậy nên các khu vực nông thôn ở Khánh Vĩnh; Ninh Hòa…người săn đất cũng đổ về ngày càng nhiều.
Anh Nguyễn Văn Hùng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ: "Trước đây đất trồng cây hàng năm chưa được chuyển đổi thành đất ở tại các vùng cao ở Khánh Vĩnh giá rất rẻ, chẳng ai mặn mà. Nhưng hiện nay được rao bán nhiều. Mỗi sào 200 đến 500 triệu đồng, tùy vị trí. Bản thân tôi cũng đi mua đất cho người thân vì Khánh Vĩnh nối với Lâm Đồng nên tương lai sẽ có nhiều dự án đầu tư tại đây, sẽ sốt đất".
Nhiều nhà đầu tư bất động sản từ TP Hồ Chí Minh đến Ninh Hòa săn đất cũng sẵn sàng mua tất cả các loại đất miễn là không nằm trong các dự án vì giá cả có tăng hơn trước nhưng không quá đắt như TP Nha Trang.
Vừa mua được hơn 1.000m2 đất trồng cây hàng năm ở Ninh Hòa, chị Nguyễn Thị H bộc bạch: "Ở các vùng ven TP Nha Trang dù đất còn nhiều nhưng giá vài tỉ/lô. Trung bình trên 15-20 triệu đồng/m2. Giá này nhiều người không đáp ứng được nên túa ra các vùng quê. Khi TP Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân của Khánh Hòa thì các dự án sẽ phát triển mạnh ra các huyện. Vậy nên cứ mua trước để chờ tăng giá kiếm lời".
Nóng tình trạng săn đất, nhiều nhân viên làm trong lĩnh vực du lịch và một số ngành nghề khác cũng đi làm "cò".
Bà Võ Mỹ (nhân viên du lịch khu khoáng nóng ở Nha Trang) vài tháng nay cũng chạy đôn đáo đi "cò" đất. Bà Mỹ chia sẻ rằng: Khách du lịch đến địa phương vẫn còn ít nên lao động ở công ty nếu chấp nhận đi làm thì làm cách nhật hoặc tháng chỉ làm mấy ngày. Vậy nên đi làm "cò" kiếm vận may. "Cò" các mảnh đất giá trị lớn thì cơ hội giao dịch thành công khó nhưng đất giá trị nhỏ thì vừa túi tiền với nhiều người săn đất hơn, cơ hội giao dịch thành công sẽ cao.
Không chỉ ở thị trấn, ven đô thị mà cả những xã cao xa nhất của Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) là xã Khánh Thượng cũng nhộn nhịp "cò" đất. Một mảnh đất trồng cây hàng năm được hàng chục "cò" rao bán. Ai "cò" được trước thì coi như vận may đến với mình. Có "cò" cả cả tháng phải bỏ tiền túi đổ xăng dẫn khách săn đất đi khắp nơi.
Dẫn chúng tôi đi hàng loạt khu vực bán đất ở xã Khánh Thượng (Khánh Vĩnh), một "cò" đất kể: "Có ngày vừa dẫn tốp khách ở TP Hồ Chí Minh đi xem xong thì lại có tốp từ Lâm Đồng xuống. Việc săn đất diễn ra rất nhộn nhịp."
Trước việc sốt đất, tỉnh Khánh Hòa đã có có chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cần phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
Chỉ tiến hành cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất. Cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có, dẫn đến hình thành các điểm dân cư mới chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng khu vực, gây ra tình trạng phân lô, bán nền tràn lan trên địa bàn.
Xem thêm video được quan tâm
Đông Hưng-L.N