Sốt đất vùng ven: Có nên tiếp tục đưa đất nền ra đấu giá? | Hà Nội tin mỗi chiều

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang phối hợp với cơ quan công an thu thập, xác minh nghi vấn có nhóm đối tượng kích sóng đất nền vùng ven Hà Nội thông qua các phiên đấu giá đất.

Ngày 28/7, huyện Đan Phượng tổ chức đấu giá 85 lô đất ở các xã Đan Phượng, Hạ Mỗ và Phương Đình, có 1.252 bộ hồ sơ nộp vào tham gia đấu giá. Kết quả, có lô đất tại xã Hạ Mỗ được trả giá lên đến 99,2 triệu đồng/m2 khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Tiếp đó, phiên đấu giá 68 lô đất ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai còn "nóng" hơn tại huyện Đan Phượng khi có tới 7.000 bộ hồ sơ do khoảng 1.600 người nộp vào tham gia trả giá. Kết thúc phiên đấu giá, lô đất góc có giá trúng cao nhất là hơn 100 triệu đồng/m2. So với giá khởi điểm, giá các lô trúng cao gấp 5 - 8 lần.

Gần đây nhất, tại "chảo lửa" đấu giá 19 lô đất ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức tiếp tục "nóng" hơn nữa khi có cả nghìn hồ sơ tham gia.

Vị trí các lô đất đấu giá tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên nằm cách khu vực đường Vành đai 4. Ảnh: Kinh tế môi trường.

Vị trí các lô đất đấu giá tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên nằm cách khu vực đường Vành đai 4. Ảnh: Kinh tế môi trường.

Cuộc đấu giá đất này kéo dài từ 19 giờ đồng hồ, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau mới ngã ngũ sau 9 vòng đấu. Giá trúng cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần mức giá khởi điểm.

Một điểm chung của các thương vụ đấu giá đất này là số hồ sơ nộp và số người tham gia các phiên đấu giá lên tới cả nghìn người. Lý giải việc đất đấu giá tại các huyện ngoại thành có giá rất cao, Giám đốc một Công ty bất động sản tại Hà Nội cho biết, một số sàn bất động sản có những đội đấu giá chuyên nghiệp, họ coi đấu giá là một nghề kiếm tiền, họ đi đấu giá theo đội, đẩy giá lên. Họ lấy thông tin đó để so sánh, tăng giá bán các dự án khu vực khác. Từ đó, hình thành một mặt bằng giá mới, làm cho giá bất động sản Hà Nội thêm nóng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 337.200 tỷ đồng, đạt 82,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, riêng thu tiền sử dụng đất là 16.800 tỷ đồng, đạt 46,6% và gấp bốn lần cùng kỳ. Thị trường bất động sản ấm dần lên, kéo theo giá đất nền tăng trở lại là tín hiệu vui, song cũng là dấu hiệu cảnh báo sớm hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Bất động sản tăng giá mạnh trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, thu nhập của người dân chưa ổn định là dấu hiệu của hiện tượng bong bóng, gây mất ổn định thị trường.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 337.200 tỷ đồng. Ảnh: VGP.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 337.200 tỷ đồng. Ảnh: VGP.

Không loại trừ nhóm đầu cơ bất động sản đã tung tiền mua gom đất khu vực xung quanh trước khi cuộc đấu giá đất diễn ra. Họ đẩy giá lên cao là nhằm tạo lập mặt bằng giá mới trong khu vực để thu lời lớn.

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc đất đấu giá vùng ven bị đẩy lên quá cao trong thời gian ngắn sẽ là cơ sở để nhiều môi giới thực hiện việc đẩy giá bất động sản ở các khu vực khác.

Trong khi đấu giá đất trên trời thì tồn kho bất động sản thực tế vẫn lớn. Theo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2024 của Bộ Xây dựng, lượng tồn kho bất động sản tại các dự án vào khoảng trên 17 nghìn căn, nền, bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền. Bên cạnh đó, lượng tồn kho nhà ở riêng lẻ, đất nền trong quý II/2024 là trên 14 nghìn căn/nền, tương đương 73% so với quý I/2024.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tình trạng giá trúng đấu giá đất qua các phiên liên tục bị đẩy lên sẽ có tác động khiến đất nền vùng ven ngoại thành Hà Nội bị đẩy lên, tiềm ẩn bất ổn cho thị trường bất động sản. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang phối hợp với cơ quan công an xác minh nhóm đối tượng kích sóng đất nền thông qua các phiên đấu giá.

Tình trạng giá trúng đấu giá đất qua các phiên liên tục bị đẩy lên sẽ có tác động khiến đất nền vùng ven ngoại thành Hà Nội bị đẩy lên, tiềm ẩn bất ổn cho thị trường bất động sản. Ảnh: Internet.

Tình trạng giá trúng đấu giá đất qua các phiên liên tục bị đẩy lên sẽ có tác động khiến đất nền vùng ven ngoại thành Hà Nội bị đẩy lên, tiềm ẩn bất ổn cho thị trường bất động sản. Ảnh: Internet.

Tại Nghị định số 96/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã dành một chương đề cập tới việc điều tiết thị trường bất động sản khi chỉ số giá giao dịch bất động sản có sự biến động tăng hoặc giảm trên 20% trong ba tháng; hoặc thị trường bất động sản có các biến động khác ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. Trong đó, nghị định đưa ra các biện pháp và quy định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính trong việc điều tiết.

Quan trọng là cách thức điều tiết ra sao cho hợp lý, kịp thời, nhất là khi giá đất nền đấu giá tại nhiều khu vực vùng ven đang được đẩy lên cao, có nơi tăng đến 18 lần so với giá khởi điểm.

TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS IE) cho biết, việc cơ quan quản lý sử dụng công cụ hành chính để điều tiết khi thị trường sốt nóng hoặc đóng băng là cần thiết, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, can thiệp ra sao để đạt hiệu quả và giúp thị trường ổn định nhanh chóng là điều cần được làm rõ.

TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS IE). Ảnh: Báo Lao động.

TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS IE). Ảnh: Báo Lao động.

Để ngăn chặn những biến tướng trong đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã đưa ra nhiều quy định mới về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan. Theo đó, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khoảng thời gian từ nay đến khi luật có hiệu lực cũng không loại trừ khả năng nhiều cuộc đấu giá đất ở các địa phương tiếp tục bị thao túng bởi một nhóm người. Do vậy, để các cuộc đấu giá đất sắp tới diễn ra thành công, hạn chế hiện tượng đầu nậu, cò đất thao túng, thổi giá đất, cần có chế tài với hành vi thao túng thị trường bất động sản, đưa ra quy định chỉ nên cho người dân địa phương tham gia đấu giá đất.

Trần Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/sot-dat-vung-ven-co-nen-tiep-tuc-dua-dat-nen-ra-dau-gia-ha-noi-tin-moi-chieu-260184.htm