Sốt ruột với trạm quan trắc không khí tự động
Tình trạng ô nhiễm không khí tại TP HCM có chiều hướng gia tăng. Thế nhưng để tìm kiếm thông tin về thực trạng, dự báo chất lượng không khí vẫn là chuyện rất khó với người dân TP
Sau một lúc dẫn con trai đi lòng vòng công viên, nhìn bầu trời có nhiều sương mù, anh Trần Thiện Thanh (quận 12) mở phần mềm PAM Air để xem chất lượng không khí. Thấy nhiều nơi trong bản đồ hiện lên màu cam và đỏ, anh Thanh lắc đầu: "Đi lòng vòng nãy giờ mới biết không khí không tốt. Nếu có phần mềm dự báo trước một vài ngày hoặc có thể cảnh báo ngay và luôn thì đỡ biết mấy".
Đo không khí 5 ngày mới có kết quả
Đó là một trong những phần mềm người dân tự tải về để tham khảo chất lượng không khí do tư nhân cung cấp. Riêng các thông tin về chất lượng không khí tại TP HCM do Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (TN-MT) - Sở TN-MT TP cung cấp được thể hiện trên các biển báo giao thông, kết quả thường là của 20 ngày trước do quy trình đo chất lượng không khí được thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian lấy mẫu, phân tích mẫu.
Theo Bộ TN-MT, Hà Nội, TP HCM là những đô thị có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất cả nước, nhiều thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) chạm ngưỡng báo động. Nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm môi trường không khí tại 2 TP lớn là do khí thải từ số lượng lớn xe cộ tham gia giao thông, trong đó có hàng triệu xe máy cũ, ôtô quá hạn lưu hành. Bên cạnh đó, bụi từ hoạt động xây dựng công trình, khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp, hóa chất, phân bón... tại TP và vùng lân cận đang làm cho mức độ ô nhiễm không khí tại đô thị trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, toàn TP HCM hiện có 30 điểm được quan trắc không khí thủ công thực hiện tại các giao lộ đông phương tiện qua lại, như: nút giao Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ; nút giao Phú Lâm; ngã 6 Gò Vấp; nút giao An Sương; Bà Quẹo; An Phú; Phú Định… và việc lấy mẫu khá rườm rà, mất thời gian. Theo một nhân viên thực hiện việc quan trắc, có 11 thông số như NO2, SO2, CO, bụi PM10, bụi PM2.5, nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc, gió… được ghi nhận, tần suất quan trắc 10 ngày/tháng, lấy mẫu vào 2 thời điểm/ngày, thường thì sau 5 ngày có kết quả phân tích và sẽ gửi về Trung tâm Quan trắc TN-MT.
Năm 2022, có 9 trạm quan trắc tự động
TP hiện có 2 trạm quan trắc không khí tự động (được xây dựng dưới dạng 1 container chứa các trang thiết bị quan trắc không khí bên trong) đang được chạy thử nghiệm tại cửa ngõ phía Đông (Khu Công nghệ cao quận 9) và cửa ngõ phía Tây (Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân) hứa hẹn mang lại thông tin về chất lượng không khí nhanh chóng cho người dân TP. Cụ thể, phương pháp mới tiến hành thu thập, phân tích mẫu tự động và cứ 5 phút truyền số liệu quan trắc về trung tâm. Nhờ đó có thể tính được chỉ số chất lượng không khí hằng ngày để sớm đưa ra những cảnh báo đến người dân.
Theo ông Lê Sanh Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Quan trắc Trung tâm Quan trắc TN-MT, trung tâm đang làm chủ đầu tư dự án Nâng cao năng lực quan trắc môi trường. Đến năm 2025, TP sẽ thiết lập 58 trạm quan trắc và 1 trung tâm điều hành với thiết bị hiện đại, cập nhật liên tục các chỉ số về môi trường giúp cảnh báo, dự báo cho người dân TP HCM. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 500 tỉ đồng, không chỉ quan trắc không khí mà còn quan trắc nước (nước mặt, nước ngầm) và lún.
Cũng theo ông Lê Sanh Quốc Tuấn, lẽ ra dự án đã kết thúc năm 2020 nhưng do việc xác định vị trí đất lắp đặt các trạm quan trắc bị kéo dài nên thời gian thực hiện cũng kéo dài, dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn tất. Ngoài 2 trạm quan trắc không khí tự động đang được vận hành thử nghiệm, sẽ có thêm 7 trạm quan trắc không khí tự động và 1 xe quan trắc di động.
"Theo đề án phát triển tổng thể mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tầm nhìn đến năm 2030, toàn TP sẽ có 20 trạm quan trắc không khí tự động. Trừ 9 trạm trên, 11 trạm còn lại dự kiến sẽ kêu gọi xã hội hóa. Hiện đã có đơn vị xin đầu tư, trình kế hoạch cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Với chi phí đầu tư cho một trạm quan trắc khoảng 9-10 tỉ đồng, nếu xã hội hóa thực hiện suôn sẻ thì kế hoạch sẽ về đích sớm" - ông Lê Sanh Quốc Tuấn cho biết.
Ngoài hệ thống quan trắc không khí tự động, đến năm 2022, TP cũng sẽ đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc nước mặt, 31 trạm quan trắc nước dưới đất, 9 trạm quan trắc sụt lún mặt đất và 1 trung tâm điều hành. Theo ông Lê Sanh Quốc Tuấn, tháng 3-2020, các địa phương đã hoàn tất việc giao đất xây dựng 58 trạm quan trắc này với 53 vị trí đất. Sau khi TP phê duyệt điều chỉnh dự án, chủ đầu tư sẽ tăng tốc đưa dự án về đích đúng thời hạn.
"Trong thời gian chờ hệ thống quan trắc tự động, để có số liệu nhanh và chính xác hơn, từ tháng 1-2021, trung tâm sẽ đo chất lượng không khí mỗi ngày vào 3 thời điểm (từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút, từ 15 giờ đến 16 giờ và từ 20 giờ đến 21 giờ)" - ông Lê Sanh Quốc Tuấn nói.
Sắp có app theo dõi môi trường cho người dân
Bên cạnh hệ thống quan trắc tự động, Sở TN-MT cũng phối hợp Công ty Công nghệ phần mềm Quang Trung xây dựng phần mềm nhằm cung cấp các thông tin về chỉ số chất lượng không khí cho người dân toàn TP. Ngoài chất lượng không khí còn có chất lượng nước mặt, nước ngầm, lún tại tất cả vị trí có quan trắc của TP HCM. Hiện phần mềm đang được chạy thử, dự kiến sẽ công bố vào tháng 1-2021 và được cung cấp miễn phí.