Sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19: Những lưu ý từ chuyên gia
Sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19 tưởng như thông thường nhưng lại khiến người đi tiêm băn khoăn, lo lắng, nhiều khi không biết nên xử trí sao cho đúng.
ThS. BS Nguyễn Hồng Hà - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam đã chia sẻ những điều cần lưu ý xung quanh vấn đề sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19 với bạn đọc.
Chớ băn khoăn chuyện sốt hay không sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19
BS Nguyễn Hồng Hà khuyên người đi tiêm như vậy. Lý giải về điều này, vị chuyên gia cho biết: Theo khuyến cáo, sốt cũng như một số triệu chứng thông thường khác sau tiêm vaccine COVID-19 (như mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm...) là các phản ứng thông thường cho biết cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng COVID-19.
Triệu chứng nặng, nhẹ hay không có sau tiêm vaccine là do phản ứng của mỗi người khác nhau. Vaccine sẽ tạo ra số lượng kháng thể nhất định nhưng khoảng thời gian tạo ra đủ lại khác nhau ở mỗi người. Như vậy, sốt hay không sốt sau tiêm COVID-19 thì vaccine vẫn mang lại hiệu quả miễn dịch tương đương nhau.
"Rất hiếm gặp và tỷ lệ rất nhỏ sẽ gặp ở một người sau khi tiêm chủng có các dấu hiệu như tê quanh môi hoặc lưỡi; phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng... Biểu hiện hiếm gặp khác là nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp...
Diễn biến nặng cực kỳ hiếm gặp và chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ gồm: sốt cao trên 39 độ C, sưng hoặc đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp hoặc kẹt huyết áp..." - BS Hà chia sẻ thêm.
Cần theo dõi nhiệt độ và thời gian sốt
Sốt sau tiêm vaccine thông thường chỉ sốt nhẹ, và tự khỏi sau 1-2 ngày. Nhưng nếu nhiệt độ cao trên 38,5 độ cần chú ý theo dõi nhiệt độ thường xuyên và các biểu hiện khác. Nhiều bệnh lý khác có thể gây sốt vô tình mắc vào thời gian này sẽ dễ bị nhầm lẫn với phản ứng do tiêm chủng.
Cụ thể nếu thấy sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt, ngoài ra có thể đau đầu dữ dội, đau cơ mà không phải do sang chấn gì, sốt kéo dài 3-4 ngày không dứt thì phải đến bệnh viện hoặc xin tư vấn từ bác sĩ. Không loại trừ người đi tiêm có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 và gây sốt - BS Hà lưu ý.
Lựa chọn thuốc giảm sốt thông thường
"Có nên uống thuốc hạ sốt sau khi tiêm vaccine COVID-19 không" là câu hỏi nhiều người thận trọng đưa ra. Ngược lại, có những người tìm mua thuốc hạ sốt trước khi tiêm hoặc sau tiêm thấy sốt liền mua thuốc hạ sốt mà không cần tìm hiểu hoặc xin tư vấn bác sĩ.
Trả lời về vấn đề dùng thuốc sau khi tiêm, BS Hà cho biết, sau khi tiêm vaccine COVID-19, nếu người tiêm bị sốt cao trên 38,5 độ C hoặc đau nhiều thì có thể uống thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol. Không được dùng thuốc chứa corticosteroid (vì làm giảm tác dụng sinh miễn dịch của vaccine trừ trường hợp bị phản vệ nặng).
Việc dùng thuốc hạ sốt khi sốt, đơn thuần là điều trị triệu chứng, giúp cơ thể giảm bớt mệt mỏi, khó chịu, giảm bớt nguy cơ mất nước, rối loạn điện giải. Bên cạnh việc dùng thuốc, khi sốt khoảng 38-39 độ C, nên uống thêm nhiều nước, ăn nhiều hoa quả.
Sốt phản ứng do tiêm vaccine sẽ đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt, chỉ nên sử dụng lại sau mỗi 6-8 tiếng. Thông thường ít khi phải uống thuốc hạ sốt nhiều lần vì phản ứng này sẽ qua đi sau 24-48h.
Sau tiêm vaccine COVID-19 nếu sốt cần uống nhiều nước
Sau khi tiêm vaccine COVID-19, nếu bạn có dấu hiệu sốt, việc bổ sung nước cho cơ thể là rất quan trọng, Khi uống nước, nên uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống.
Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép để cung cấp thêm vitamin C, A cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, mặc quần áo nhẹ và thoáng mát giúp tránh bị quá nóng.
Những dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện ngay
Nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu dưới đây (dù rất hiếm gặp), hãy liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng các bệnh viện:
- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.
- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.
- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
- Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Xem thêm video có thể bạn quan tâm: