Sốt xuất huyết: 7 lầm tưởng phổ biến và hệ quả khôn lường

Là một quốc gia thuộc vùng nhiệt đới, sốt xuất huyết rất phổ biến tại Việt Nam, tuy vậy, vẫn có không ít lầm tưởng về bệnh gây hậu quả đáng tiếc.

Tính đến đầu tháng 6/2024, cả nước ghi nhận 22.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy số ca nhiễm cộng dồn từ đầu năm đến nay tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (từ 408 ca năm 2023 lên 783 ca năm 2024). Tại TP HCM, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 6/2024 đã ghi nhận 130 ca nhiễm, tăng số ca mắc tích lũy tính từ đầu năm đến ngày 9/6 tổng cộng là 3.677 ca.

Mới đây, vaccine sốt xuất huyết được Bộ Y tế phê duyệt để gia tăng biện pháp tiên tiến trong phòng ngừa sốt xuất huyết, bên cạnh các hoạt động kiểm soát muỗi gây bệnh. Theo đó, tọa đàm "Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi & tiêm vaccine dự phòng" cũng được thực hiện, với sự tham gia của các các chuyên gia, nhằm giải đáp những thắc mắc, lầm tưởng của mọi người về sốt xuất huyết tại Việt Nam.

Một trong những hiểu lầm phổ biến thường thấy, đó là "sốt xuất huyết chỉ bị một lần trong đời". Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, có 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vì vậy, mỗi lần mắc bệnh, cơ thể chỉ tạo miễn dịch với tuýp virus đó, nên nguy cơ mắc do các tuýp còn lại vẫn tồn tại. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhiễm TP. HCM, Nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, còn cho biết thêm nguy cơ biến chứng nặng thường tăng cao từ lần thứ hai mắc bệnh trở đi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ về những hiểu lầm phổ biến về bệnh tại tọa đàm "Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi & tiêm vaccine dự phòng"

Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ về những hiểu lầm phổ biến về bệnh tại tọa đàm "Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi & tiêm vaccine dự phòng"

Hiểu lầm thứ hai là "muỗi vằn lây bệnh sốt xuất huyết chỉ có ở những nơi ao tù nước đọng". Song trên thực tế,muỗi vằn lại ưa thích cả những chỗ nước sạch để lâu ngày. Đồng thời, nhà cao tầng cũng vẫn có muỗi trú ngụ. Tại tọa đàm "Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi & tiêm vaccine dự phòng", BS. Khanh cho hay, chỉ cần một lỗ nhỏ trong chậu hoa hoặc ngăn đựng nước của quạt hơi nước cũng có thể là nơi muỗi vằn sinh sản. PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, còn từng ghi nhận muỗi truyền bệnh dưới gầm tủ lạnh, lọ hoa trang trí, bởi "muỗi nhà sống cùng con người" và có ở khắp mọi nơi. Do đó, để phòng sốt xuất huyết hiệu quả, theo hai chuyên gia, cần thường xuyên làm vệ sinh, tránh nước tồn đọng trong mọi vật dụng và quanh không gian sống.

Thứ ba, nhầm tưởng "hết sốt là hết bệnh" được các chuyên gia đánh giá là một nhầm lẫn nguy hiểm. Bởi theo các bác sĩ, sốt cao chỉ là triệu chứng đầu tiên khi mắc sốt xuất huyết. Sau khi hạ sốt, hội chứng sốc dengue với các biểu hiện như phát ban dưới da, chảy máu cam, đau nhức xương khớp, buồn nôn có thể đột ngột xảy ra. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị suy đa tạng, bội nhiễm, thậm chí tử vong. Vì vậy, lời khuyên của bác sĩ Khanh là nếu sốt liên tục từ 2 ngày trở lên không rõ nguyên nhân, người bệnh hãy đến cơ sở y tế để kịp thời thăm khám.

Thêm một nhầm lẫn phổ biến khác đó là nhầm sốt xuất huyết với các bệnh lý khác.BS. Khanh cho biết triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn khi mắc sốt xuất huyết thường khiến bệnh nhân nhầm với bệnh cảm cúm. Kể cả khi bị xuất huyết dưới da, nhiều người vẫn nghĩ chỉ là do dị ứng hoặc chỉ là sốt xuất huyết nhẹ, dẫn đến chủ quan, không kịp thời điều trị.

Kế đến, theo nhiều người, chỉ có trẻ em mới bị sốt xuất huyết. Trong khi phân tích dịch tễ các năm gần đây thống kê được tỷ lệ người trên và dưới 15 tuổi mắc sốt xuất huyết gần như tương đương. Nguy cơ biến chứng nặng giữa hai nhóm bệnh nhân cũng không chênh lệch nhiều. Xuất phát từ sự chủ quan và có thể do đã mắc bệnh nhiều lần, các ca trở nặng ở người lớn có xu hướng nhiều hơn. BS. Khanh lưu ý người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch và sản phụ là các đối tượng nguy cơ cao.

Đồng thời, sốt xuất huyết không phải lúc nào cũng có thể tự điều trị. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chỉ cần tự truyền dịch hoặc mua thuốc uống là khỏi. Thực tế, mỗi giai đoạn bệnh sẽ có chỉ định điều trị riêng. Trường hợp nặng còn cần chẩn đoán, theo dõi lâm sàng sát sao và điều trị bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm. Theo bác sĩ Thái, sự chủ quan này là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do sốt xuất huyết.

Nhiều người còn cho rằng, sốt xuất huyết chỉ xảy ra vào mùa mưa. Song bác sĩ Thái cảnh báo: "Hiện nay nguồn bệnh đã tiềm tàng và duy trì ổn định. Chỉ cần đủ cơ hội, đủ điều kiện là sẽ bùng phát". Bác sĩ Khanh lý giải thêm, các yếu tố bất định của thời tiết, quá trình đô thị hóa, sự dịch chuyển của con người đã khiến sốt xuất huyết hiện nay hầu như xảy ra quanh năm. Do vậy, phải cảnh giác và phòng bệnh quanh năm, cả trong mùa khô hay mùa đông lạnh.

PGS.TS. Bác sĩ Phạm Quang Thái nhấn mạnh mỗi người dân cần đề cao cảnh giác và tích cực thực hiện các phương pháp phòng chống sốt xuất huyết bất kể thời điểm nào trong năm

PGS.TS. Bác sĩ Phạm Quang Thái nhấn mạnh mỗi người dân cần đề cao cảnh giác và tích cực thực hiện các phương pháp phòng chống sốt xuất huyết bất kể thời điểm nào trong năm

Cuối cùng, "sốt xuất huyết không gây chết người" là quan điểm sai lầm nhiều người mắc phải. Theo WHO, sốt xuất huyết là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu. BS. Khanh cho biết từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 sau khi mắc bệnh là giai đoạn nguy hiểm cần theo dõi nghiêm ngặt để kịp thời nhận biết và điều trị các biến chứng nặng. Tình trạng sốc do mất máu, thoát huyết tương, hạ huyết áp, suy đa tạng đều có thể gây tử vong. Đối với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết đe dọa tính mạng sản phụ lẫn thai nhi và để lại nhiều di chứng cho trẻ.

Những lầm tưởng trên khiến người dân lơ là thực hiện các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết, làm gia tăng ca nhiễm và biến chứng nặng, tạo áp lực lớn cho ngành y tế. Bác sĩ Thái khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông trong việc tuyên truyền phòng ngừa bệnh. "Do tính hay quên" của nhiều người, nên việc tăng cường giáo dục, phổ cập thông tin chính xác về sốt xuất huyết đến toàn dân là điều cần thiết, "không sợ nói thế mà thừa" bác sĩ Thái nhấn mạnh.

BS. Khanh cho rằng, người dân nên cân nhắc đón nhận giải pháp tiên tiến giúp bản thân chủ động hơn trong việc phòng chống sốt xuất huyết, vì vaccine sẽ góp phần giảm tỷ lệ biến chứng nặng hoặc tử vong. Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh người dân vẫn cần chung tay, quyết tâm thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát vector và phòng ngừa muỗi đốt ở mỗi cá nhân.

* Nội dung này được bảo trợ bởi Hội Thầy Thuốc Trẻ Việt Nam

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sot-xuat-huyet-7-lam-tuong-pho-bien-va-he-qua-khon-luong-169240628130501395.htm