Sốt xuất huyết cao kỷ lục trong lịch sử
2024 là năm đầu tiên ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao kỷ lục. Biến đổi khí hậu khiến Trái Đất nóng lên có thể là một trong những nguyên nhân.
Genesis Polanco Marte (9 tuổi, Puerto Rico), được đưa vào bệnh viện trong tình trạng sốt, đau nhức người và làn da tái nhợt khiến ai cũng khiếp đảm.
Dù Marte không có các triệu chứng điển hình, với kinh nghiệm của mình, các bác sĩ chắc chắn cô bé đã mắc sốt xuất huyết Dengue, theo Washington Post.
Marte là một trong 91 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trong tuần rồi tại Puerto Rico. Cô bé cũng nằm trong số hàng triệu người được ghi nhận mắc sốt xuất huyết trong năm nay.
Trong 5 năm qua, các báo cáo đều ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn cầu tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, năm 2024 ghi nhận số ca mắc bệnh này cao kỷ lục.
Hàng triệu ca mắc trong 4 tháng đầu năm
Tính đến ngày 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 7,6 triệu ca sốt xuất huyết, trong đó có hơn 16.000 ca nặng và hơn 3.000 ca không qua khỏi.
Số ca sốt xuất huyết được báo cáo trên toàn cầu trong 5 năm qua đã gia tăng đáng kể, tuy nhiên, xu hướng này rõ rệt hơn ở khu vực châu Mỹ.
Châu lục này đã ghi nhận số ca mắc đã vượt quá 7 triệu vào cuối tháng 4, vượt qua kỷ lục trước đó là là 4,6 triệu trường hợp vào năm 2023. Bên cạnh đó, con số này gấp 3 lần so với số liệu được báo cáo trong cùng kỳ năm 2023, cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của vấn đề sức khỏe này.
Theo Washington Post, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được ghi nhận ở các quốc gia trải dài từ Brazil đến Bangladesh, gợi nhớ đến những ngày tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Puerto Rico đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi ghi nhận số trường hợp sốt xuất huyết trong 5 tháng đầu năm cao hơn tổng số ca trong năm ngoái.
Tính trong 3 tháng đầu năm, Singapore đã ghi nhận 5.000 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, số trường hợp không qua khỏi là 7 người, tính đến 25/3. Con số này cả năm 2023 chỉ 6 ca.
Bên cạnh đó, ngành y tế công cộng các quốc gia vùng ôn đới cũng đang sẵn sàng đối phó với virus gây bệnh sốt xuất huyết.
Trước đây, căn bệnh này chỉ được ghi nhận ở các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới như Nam Mỹ, châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh có xu hướng lan đến các vùng có khí hậu mát mẻ hơn.
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cũng ghi nhận hơn 2.200 ca mắc sốt xuất huyết, cảnh báo khí hậu nóng lên là nguyên nhân khiến căn bệnh này gia tăng khắp toàn cầu, trong đó có Mỹ.
"Kẻ nhấp nháp" nguy hiểm
Một nghiên cứu mới đây về bệnh truyền nhiễm tại Brazil đã cho thấy biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ Trái Đất ấm hơn, tình trạng sốt xuất huyết càng nghiêm trọng. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao đã đẩy nhanh vòng đời và mở rộng phạm vi hoạt động của muỗi vằn, khiến virus sốt xuất huyết lây lan mạnh khắp thế giới với tỷ lệ 1/800.
Phần lớn các ca sốt xuất huyết gần đây, khoảng 80%, được ghi nhận ở châu Mỹ. Theo các chuyên gia, nhiệt độ ấm hơn, đặc biệt ở Nam Mỹ, là hậu quả của nạn phá rừng Amazon, phần lớn do con người gây ra để khai thác gỗ, canh tác và chăn thả gia súc bất hợp pháp.
Diện tích rừng bị thu hẹp dẫn đến khối lượng khí thải nhà kính tăng cao, nhiệt độ Trái Đất từ đó cũng tăng lên.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, sự nóng lên toàn cầu dẫn đến nhiều nơi trên thế giới gặp tình trạng hạn hán, khiến mọi người trữ nước nhiều hơn, tạo môi trường cho muỗi phát triển.
Bà Mallory Harris, nhà sinh thái học về bệnh tật tại Đại học Stanford (Mỹ), cho biết một số thiên tai khác như bão và lũ lụt gia tăng do biến đổi khí hậu cũng tạo ra nước đọng, khiến người dân tăng khả năng tiếp xúc với muỗi.
Trong một phân tích về cơn bão Yaku đổ bộ vào Peru hồi tháng 3/2023, bà Harris phát hiện ra cơn bão này là nguyên nhân gây ra 33.000 ca sốt xuất huyết, khiến hơn 4.000 trường hợp không qua khỏi tại quốc gia này.
Bên cạnh đó, khí hậu nóng lên cũng tạo môi trường lý tưởng để muỗi sinh sôi và phát triển nhanh chóng.
Theo ông Sadie Ryan, một nhà địa lý y khoa tại Đại học Florida chuyên về các bệnh do côn trùng truyền, muỗi vằn - vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết - rất nguy hiểm và ở khắp nơi.
Không giống như muỗi truyền bệnh sốt rét, chỉ cần một bữa ăn máu duy nhất trước khi đẻ trứng, muỗi vằn là 'kẻ nhấm nháp'.
"Chúng như những con ma cà rồng nhỏ bé trong một bữa tiệc buffet mà món ăn là con người. Chúng di chuyển từ người này sang người khác. Và sau mỗi lần cắn, bệnh lại có khả năng lây lan", ông Ryan cho hay.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện ra môi trường ấm hơn có thể khiến loài muỗi vằn phát triển nhanh hơn, cắn nhiều người hơn và đẻ nhiều trứng hơn. Nhiệt độ ấm hơn cũng khiến virus sốt xuất huyết dễ lây truyền và phát triển nhanh hơn bên trong vật chủ.
Một nghiên cứu của CDC Mỹ cũng cho thấy nếu không có hành động quyết liệt để kiểm soát virus và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, khoảng 2 tỷ người trên thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết trong 50 năm tới.
Theo WHO, biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến các ca bệnh sốt xuất huyết tăng cao kỷ lục nhưng đây vẫn là căn bệnh nhiệt đới hay bị lãng quên nhất thế giới.
Thống kê cho thấy 3/4 ca bệnh là nhẹ hoặc không có triệu chứng, khiến ngành y tế khó chẩn đoán và theo dõi bệnh. Bên cạnh đó, virus gây sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh khác nhau, dẫn đến con người sau khi mắc bệnh chỉ có khả năng tự miễn dịch với một chủng type virus thay vì miễn dịch hoàn toàn với bệnh.
Virus sốt xuất huyết lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi vằn nhiễm bệnh. Các trường hợp thường không có triệu chứng hoặc dẫn đến bệnh sốt nhẹ. Tuy nhiên, một số ca bệnh sẽ phát triển bệnh sốt xuất huyết nặng, có thể gây sốc, chảy máu nghiêm trọng, suy đa tạng, thậm chí không qua khỏi.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ca-sot-xuat-huyet-cao-ky-luc-chua-tung-co-post1483963.html