Sốt xuất huyết gia tăng nhiều ca nặng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tự ý dùng thuốc
Bộ Y tế cho biết đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết, 72 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp.
Tại miền Bắc, chỉ trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng nhanh với 22 ổ dịch mới, tính từ đầu năm số ca mắc đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái và dự báo sẽ còn tăng cao. Còn tại các cơ sở y tế ở phía Nam, thời gian qua đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tự ý điều trị ở nhà, chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào viện, đã ở trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, tổn thương đa cơ quan, tràn dịch màng phổi, ngưng thở.
Bệnh sốt xuất huyết thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Đáng chú ý, bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu, người mắc sốt xuất huyết có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám.
Để ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết gia tăng và bùng phát, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu. Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không được tự dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sỹ. Không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen... Trường hợp bệnh nhân đã uống những loại thuốc này nên đến bệnh viện sớm để bác sỹ tư vấn, không cần thiết uống kháng sinh, không truyền dịch khi không có chỉ định.