Sốt xuất huyết 'hạ gục' người trẻ
Trong 15 ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay trên cả nước, TP HCM đã ghi nhận 7 ca. Đáng chú ý, hầu hết bệnh nhân tử vong là người lớn
Trước đây, bệnh sốt xuất huyết (SXH) thường được cho là bệnh của trẻ nhỏ nhưng gần đây, số ca bệnh là người lớn đã tăng khá nhiều. Các bác sĩ khuyến cáo người lớn mắc bệnh SXH thường bệnh trở nặng rất nhanh và nguy cơ tử vong cao.
Qua đời sau 48 giờ nhập viện
Thông tin anh Lưu Minh P. (37 tuổi, quê Quảng Nam, làm việc tại TP HCM) qua đời vì bệnh SXH sau 48 giờ nhập viện khiến gia đình và bạn bè bàng hoàng. Ở tuổi này, anh còn trẻ khỏe, sung sức. Mấy hôm thấy trong người mệt mỏi, anh cứ nghĩ cảm sốt thông thường do thời tiết nên gắng gượng đi làm. Đến lúc chịu không nổi, hôm 16-7, anh vào Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương kiểm tra sức khỏe.
Nhận thấy anh P. đang trong tình trạng bệnh nặng, mất tri giác, các bác sĩ tiến hành chụp CT và kết luận bệnh nhân bị xuất huyết não do SXH. Dù các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng bệnh tình anh P. trở nặng, tiểu cầu giảm còn rất thấp, dưới 20.000 mm3 nên lượng máu xuất ra trong não càng lúc càng nhiều, chèn ép não và tử vong. Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, cho biết: "Một tuần sau đó, bệnh viện tiếp nhận thêm một bệnh nhân có hiện trạng bệnh tương tự anh P., còn trẻ và cũng không cứu được!".
Tại tỉnh Đắk Lắk, hôm 22-7, bệnh nhân Hoàng Đình B. (25 tuổi; ngụ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) bị sốt cao kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn nên người nhà đưa đi điều trị tại cơ sở y tế tư nhân. Do bệnh không bớt, đến ngày 26-7, anh B. vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám với chẩn đoán SXH Dengue ngày 6. Chỉ 2 hôm sau, gia đình đưa anh về nhà vì tiên lượng không qua khỏi, bệnh nhân suy đa tạng và tử vong cùng ngày. Đây là trường hợp thứ 2 tử vong trong tháng 7 do bệnh SXH tại Đắk Lắk. Ca tử vong trước đó vài ngày là em Nguyễn Thị Khánh L. (15 tuổi; ngụ phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột).
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cũng đang điều trị cho 200 ca SXH. Trong đó, Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc người lớn đang cứu chữa 5 trường hợp nặng được chuyển đến từ các tỉnh lân cận. Nhiều bệnh nhân nhiễm virus SXH Dengue nặng đã ảnh hưởng đến gan và nhiều cơ quan nội tạng khác. Thậm chí có trường hợp bị viêm não dẫn đến rối loạn thị giác, co giật thần kinh... khiến các bác sĩ rất vất vả cứu bệnh nhân khỏi nguy kịch.
Chỉ từ ngày 18-6 đến 18-7, cả nước đã ghi nhận 25.000 trường hợp mắc SXH với 7 ca tử vong. Số ca mắc tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ. Các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ có số ca mắc bệnh tăng nhanh. ThS-BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết chỉ riêng trong tháng 7-2019, TP HCM ghi nhận 6.456 ca mắc SXH, tăng 123% so với tháng trước. Từ đầu năm đến nay, tại TP đã có gần 32.000 ca mắc SXH, tăng 160% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 7 trường hợp tử vong có 5 bệnh nhân là người lớn, hầu hết đều nhập viện trễ. Ca bệnh là người lớn cũng chiếm hơn 40% tổng số ca bệnh.
Chết do chủ quan
Theo BS Lê Thanh Chiến, trước đây người ta thường nghĩ chỉ có trẻ em mới mắc SXH. Thực tế cho thấy người lớn mắc SXH, thậm chí là SXH thể nặng (xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng...) ngày càng nhiều. Tỉ lệ người bị xuất huyết não do SXH dù rất ít nhưng nếu ai mắc thì đều nguy kịch. Giai đoạn nguy hiểm nhất là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 kể từ sau khi mắc virus Dengue.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cũng cho hay nhiều người mắc SXH mà không biết, cứ nghĩ bị cảm cúm, sốt thông thường nên tự uống thuốc, làm bệnh tiến triển nặng hơn. Đây là sự chủ quan bởi người lớn mắc SXH sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em.
BS Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, khẳng định đối với người lớn nhiễm bệnh SXH, có 2 dạng thường gặp là SXH biểu hiện ra bên ngoài và SXH nội tạng. Dạng SXH có biểu hiện bên ngoài ở người lớn diễn biến bất thường và triệu chứng rầm rộ hơn trẻ em, thời gian sốt kéo dài 11-12 ngày. SXH người lớn nguy hiểm nhất là gây tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu...
Dạng SXH gây xuất huyết nội tạng (thường gặp xuất huyết đường tiêu hóa và xuất huyết não). SXH dạng này gây xuất huyết đường tiêu hóa ở người lớn, biểu hiện ban đầu rất bình thường chỉ sốt, không nổi ban. Sau 1-2 ngày, bệnh nhân tiêu ra máu, phân màu đen hoặc máu tươi số lượng không nhiều, trên da xuất hiện các chấm xuất huyết, da xanh, người mệt mỏi... SXH gây xuất huyết não cũng rất khó nhận biết vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, thông thường người bệnh bị sốt, đau đầu, bị liệt (có thể liệt tay, chân hoặc liệt nửa người) và sau đó bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong.
"Điều nguy hiểm của SXH là bệnh chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ 3 sau khi phát bệnh. Lúc đó mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận..." - một bác sĩ khuyến cáo.
Quan niệm sai lầm
Nhiều người nghĩ rằng bệnh SXH chỉ mắc một lần nhưng quan niệm này là sai lầm. Bệnh SXH do virus Dengue gây ra với 4 type được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 type gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type nên một người thậm chí có thể mắc bệnh SXH đến lần thứ 4 và lần mắc bệnh sau thường nặng hơn lần trước.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/sot-xuat-huyet-ha-guc-nguoi-tre-20190807195613923.htm