Sốt xuất huyết tăng cao ở cả 3 miền, những điều cần lưu ý khi theo dõi và chăm sóc người bệnh
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng tại cả 3 miền, đặc biệt là sự xuất hiện của cả 4 tuýp virus gây sốt xuất huyết. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.
Theo ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 19% sau một tháng. Trong vòng 1 tuần từ ngày 7/8 đến ngày 13/8, địa phương này ghi nhận 350 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 19% so với trung bình 4 tuần. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao là Quận 1, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.
Tại tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến 15/8, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại Khánh Hòa là 2.081 trường hợp, trong đó 1 trường hợp tử vong và 147 ổ dịch đã được xử lý.
Tại Thừa Thiên Huế, theo Sở Y tế cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 7, toàn tỉnh ghi nhận 154 trường hợp mắc sốt xuất huyết, Tại tỉnh Phú Yên, chỉ trong 2 tháng đầu năm, địa phương đã ghi nhận 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, số ca mắc cũng tăng hơn 1,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Đồng Nai, đầu tháng 3 cũng đã ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.
Riêng Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái với hơn 3.500 ca mắc sốt xuất huyết, tính từ đầu năm đến nay. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây, mỗi tuần ghi nhận từ 500-600 ca mắc mới.
Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt.
Sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ bao gồm:
Sốt xuất huyết Dengue: sốt và xuất huyết dưới da
Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo
Sốt xuất huyết Dengue nặng
Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo bao gồm các dấu hiệu sau:
Vật vã, lừ đừ, li bì.
Đau bụng liên tục hoặc tăng cảm giác đau tại vùng gan (hạ sườn phải)
Buồn nôn, nôn nhiều lần.
Xuất huyết: chảy máu cam, chân răng, nôn ra máu, đại tiện phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo.
Tiểu ít.
Gan to trên 2cm dưới bờ sườn.
Về chẩn đoán, sau khi nghi ngờ các bác sĩ chỉ định xét nghiệm: tiểu cầu giảm nhanh, chụp Xquang, siêu âm thấy có tràn dịch màng phổi, màng bụng.
2 lưu ý khi mắc sốt xuất huyết cần nhớ
- Chú ý trong chăm sóc khi mắc bệnh sốt xuất huyết
Khi thấy có dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh sốt xuất huyết thì trong quá trình theo dõi và chăm sóc cần chú ý những điều sau:
+ Không được đánh răng, vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng với gạc mềm bằng nước muối 0.9% hoặc các nước súc miệng thông thường.
+ Không ngoáy mũi hay dùng tăm xỉa răng nguy cơ gây chảy máu niêm mạc.
+ Nếu bệnh nhân chảy máu mũi: dùng ngón tay ấn chặt vào bên cánh mũi có chảy máu trong phòng 10 phút, đồng thời nghiêng đầu về phía trước, sau đó lấy cục nước đá cho vào hốc mũi để làm ngừng chảy máu.
- Chú ý đến chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng
Khi mắc sốt xuất huyết thì chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với bệnh nhân trong thời điểm này:
+ Dinh dưỡng: ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, chia nhiều bữa, ăn nguội hoặc ấm, không ăn nóng (cháo, phở, soup, miến,...).
+ Bù nước bằng đường uống: Sử dụng các nước có chứa điện giải (oresol,..), nước hoa quả (cam, dừa, sinh tố,..).
+ Không ăn uống những chất kích thích, dầu mỡ, cay nóng, rượu bia, nước có ga,...
+ Khi sốt: Nới lỏng quần áo, lau, chườm người bằng nước ấm, sốt trên 38.5 độ, dùng hạ sốt đường uống (phải có sự hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ)
+ Hạn chế vận động, nghỉ ngơi tại giường, tuyệt đối không vận động mạnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết cần phải thực hiện các nguyên tắc sau:
- Cần mặc áo dài tay, quần dài, mang tất, giày.
- Đi ngủ mắc màn cả ngày lẫn đêm, phát quang bụi rậm, cây cỏ, khơi thông cống rãnh xung quanh nhà, dùng vợt diệt muỗi,…
- Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, không chứa nước trong xô, chậu hoa, lu hay các đồ chứa khác xung quanh nhà vì muỗi thường sinh sản ở nơi này.
- Trồng 1 số cây biết đuổi muỗi: cây bạc hà, cây đinh hương,.... Sử dụng tinh dầu đuổi muỗi vừa an toàn, dịu nhẹ cho da, thích hợp những gia đình có trẻ nhỏ: oải hương, bạc hà,...