Sốt xuất huyết tăng ở Hà Nội, cảnh giác với sốt xuất huyết không triệu chứng điển hình
Do không có triệu chứng điển hình nên bệnh nhân không biết mình mắc sốt xuất huyết, chủ quan tự điều trị tại nhà cho tới khi bệnh trở nặng, nguy kịch mới nhập viện.
Sốt xuất huyết nằm trong danh sách những bệnh truyền nhiễm phổ biến, xảy ra theo mùa và gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời do một số người bệnh không có triệu chứng điển hình.
Do không có triệu chứng điển hình nên bệnh nhân không biết mình mắc sốt xuất huyết, chủ quan tự điều trị tại nhà cho tới khi có dấu hiệu trở nặng, nguy kịch mới nhập viện.
BSCKII Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BVĐK Hà Đông cho biết, tại bệnh viện số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng, trong đó tỷ lệ người lớn cao hơn trẻ em. Số ca bệnh người lớn chiếm khoảng 60%, trong 25 ca thì có 3-4 ca chuyển nặng.
Theo BS. Kim Anh, sốt xuất huyết có 3 giai đoạn: Sốt - nguy hiểm - hồi phục. Sốt xuất huyết từ ngày thứ 3-7 của bệnh triệu chứng giảm hoặc hết sốt nên người bệnh tưởng là khỏi song thực chất từ ngày thứ 3 của bệnh là chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh sẽ có các dấu hiệu cảnh báo nhưng nếu chủ quan không nhập viện mà ở nhà rất dễ nguy hiểm tính mạng.
"Ghi nhận ban đầu cho thấy so với các đợt trước, đợt sốt xuất huyết lần này diễn biến phức tạp hơn, số ca chuyển nặng nhiều, đặc biệt ở người lớn" - BS. Kim Anh nói thêm.
Ngoài ra, BS. Kim Anh cho hay, một số trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh không sốt, chỉ viêm họng nhưng đến khám, kết quả xét nghiệm dương tính với virus Dengue.
Hoặc có những trẻ nhỏ không sốt cao, không có dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết mà kèm các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, hô hấp nên phụ huynh và cả phòng khám thường bỏ qua, chẩn đoán nhầm lẫn dẫn đến nhập viện muộn, chuyển nặng.
Chuyên gia bệnh nhiệt đới chia sẻ thêm, có nhiều trường hợp sốc sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi, biểu hiện sốt không cao kèm với triệu chứng tiêu hóa nên phụ huynh, ngay cả nhân viên y tế, dễ mất cảnh giác chỉ nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhiễm trùng.
Thực tế đã có trường hợp bé 7 tháng tuổi đến nhập viện với triệu chứng sốt, tiêu lỏng, gia đình tưởng rối loạn tiêu hóa, chỉ điều trị tại nhà tới khi trẻ co giật tím tái mới nhập viện khiến cho việc điều trị khó khăn phức tạp và nguy hiểm tới tính mạng.
Lưu ý khi theo dõi sốt xuất huyết tại nhà
Theo hướng dẫn của BSCKII Trần Thị Kim Anh, một số trường hợp sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà, tuy nhiên việc theo dõi tại nhà cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
- Lau mát tích cực cho người bệnh để hạ sốt. Khi cần dùng thuốc để hạ sốt chỉ nên dùng Paracetamol, không nên dùng Aspirin hoặc Ibuprofen.
- Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, không dùng thức ăn nước uống có màu đỏ, đen, nâu.
- Uống nhiều nước để bù vào lượng nước đã mất do sốt cao, ăn uống kém. Có thể uống các loại nước dinh dưỡng từ trái cây để cung cấp thêm vitamin, chất khoáng năng lượng.
- Liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ và nhập viện khi có dấu hiệu chuyển nặng.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 18 đến 24/3), Hà Nội ghi nhận 17 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước), không có ca tử vong.
Cộng dồn, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 189 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 10 ca so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 120/579 xã, phường, thị trấn.
Đánh giá tình hình dịch, CDC Hà Nội nhận định, trong tuần, số ca mắc sốt xuất huyết tăng. Dự báo trong thời gian tới có thể vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã. Hà Nội cùng các đơn vị, cơ sở sẽ tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.