Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, kể từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 566 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Còn tại TPHCM, từ đầu tháng 11/2024 đến nay đã có nhiều ổ dịch SXH mới được phát hiện, cảnh báo nguy cơ tiếp tục tăng vào cuối năm khi tình hình mưa bão phức tạp.
Ngày 11/11, thông tin từ CDC Hà Nội, trong khi số ca mắc sởi tăng thì số ca SXH có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 566 trường hợp mắc SXH (giảm 46 trường hợp so với tuần trước). Cũng trong tuần qua TP Hà Nội ghi nhận 33 ổ dịch SXH (tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó) tại 15 quận, huyện. Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 334 ổ dịch. Hiện còn 58 ổ dịch đang hoạt động. CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc SXH có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang ở giai đoạn cao điểm dịch hàng năm.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc SXH trên địa bàn tăng từ 516 ca lên 661 ca, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm nay là 10.641 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.
HCDC đánh giá, dịch SXH đang có dấu hiệu gia tăng liên tục trong 4 tuần gần đây, số ca nhập viện trong tuần qua là 414 ca, tăng 89 ca so với tuần trước. Trong đó, có 113 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 27,3%), trung bình số ca nặng điều trị là 12 ca/ngày.
Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, hiện số trẻ mắc SXH nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng nhẹ. Trong thời gian này trẻ mắc bệnh SXH gặp nhiều ở độ tuổi từ 1-12 tuổi, đa số ở TPHCM.
BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng dự báo, đây là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên qua đường muỗi truyền. Thông thường, dịch SXH cứ 4 - 5 năm lại có đợt dịch bùng phát. Năm nay, sau bão, sau mưa lũ, sức đề kháng của con người suy giảm và môi trường sau bão lũ không sạch, nhiều ao tù nước đọng là điều kiện cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển… nên nguy cơ sẽ lại tiếp tục bùng phát dịch SXH.
Một diễn biến đáng chú ý, mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất đưa tiêm phòng SXH vào Chương trình tiêm chủng mở rộng sau thời gian thử nghiệm tại cộng đồng. Theo đó, hiện tại Việt Nam đã có vaccine Qdenga phòng bệnh SXH, thuộc danh mục vaccine được cấp phép lưu hành theo Quyết định 308 ngày 14/5/2024 của Cục Quản lý Dược. Vaccine này đang được tiêm dịch vụ tại Việt Nam.
Bộ Y tế cho rằng việc đưa vaccine phòng, chống SXH vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cần được thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đó là bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm có vaccine bảo đảm tiêm miễn phí cho dân. Để đưa vaccine phòng SXH vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cần có các đánh giá gánh nặng bệnh tật, tính an toàn, hiệu quả miễn dịch, đồng thời xem xét tính chấp nhận của cộng đồng và đánh giá hiệu quả kinh tế vaccine phòng, chống SXH. Hiện Bộ Y tế đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá nghiên cứu các yếu tố trên, sau đó sẽ trình Chính phủ nếu phù hợp. Trước khi đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí cho người dân, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch thử nghiệm trong cộng đồng khoảng 2 năm.
BS Huỳnh Trần An Khương - Quản lý Y khoa Vùng 2 – khu vực TPHCM, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phân tích, muỗi vằn là tác nhân trung gian chủ yếu lây truyền bệnh SXH thông qua vết đốt. Do đó, để phòng ngừa SXH hiệu quả, người dân cần có ý thức chủ động tiêu diệt nơi sinh sản của muỗi thường là các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà, song song đó cần kết hợp với nhiều biện pháp khác như tiêm vaccine phòng SXH. Vaccine SXH Qdenga được đánh giá là vaccine có hiệu quả và tính an toàn cao được Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC sớm đưa về Việt Nam lần đầu tiên và triển khai tiêm chủng từ tháng 9 vừa qua tại hàng trăm trung tâm hiện đại trên toàn quốc cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Đặc biệt người từng mắc SXH cần tiêm vaccine phòng nguy cơ tái nhiễm, vì các lần tái nhiễm thường nặng hơn và nguy cơ biến chứng cao hơn lần trước.
Ở thời điểm hiện tại, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu sốt cao mà đang trong vùng dịch SXH hoặc nghi ngờ mắc SXH cần đến viện thăm khám ngay để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng.
Trong 3 ngày đầu nếu có chỉ định theo dõi tại nhà cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, ăn thức ăn lỏng, cháo, súp, sữa, uống nhiều nước… Nếu thấy bệnh nhân có chuyển biến nặng hơn như li bì, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều… cần đưa ngay đến cơ sở y tế thăm khám. Không có diễn biến bất thường cũng cần thăm khám lại theo hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng, bọ gậy, thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, chum, xô chậu…) hàng tuần, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, hốc tre, bẹ lá, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến…
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sot-xuat-huyet-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-10294293.html