Sốt xuất huyết vào mùa ở ĐBSCL, nhiều ca bệnh nặng ở trẻ em

Thời điểm này, bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng đột biến tại khu vực ĐBSCL, nhiều ca bệnh trở nặng, thậm chí rơi vào sốc.

Bác sĩ CKII. Nguyễn Huỳnh Nhật Trường thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Yến Phương.

Bác sĩ CKII. Nguyễn Huỳnh Nhật Trường thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Yến Phương.

Bệnh chuyển biến nhanh, ca sốc tăng cao

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ (bệnh viện nhi lớn nhất khu vực ĐBSCL), thống kê từ đầu năm đến ngày 15/7, số lượng bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nội trú đã tăng 38% so với cùng kỳ năm 2024. Trong số gần 600 ca ngoại trú được ghi nhận, có hơn 420 ca phải nhập viện, với gần 50 ca chuyển biến nặng (sốc).

Nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng khi con chỉ có các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, đau họng nhưng nhanh chóng trở nên lừ đừ, mệt lả và phải nhập viện.

Chị Võ Thu Nguyệt (Tân An, TP Cần Thơ) cho biết, ngày đầu phát bệnh, con trai (10 tuổi) của chị chỉ có những triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, nghẹt mũi nên chị nghĩ con bị sốt siêu vi thông thường. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, con sốt đi sốt lại hơn 38 độ C và thường xuyên bị ớn lạnh.

“Khi đưa con đến khám tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy con mắc sốt xuất huyết, phải nhập viện và nằm phòng bệnh nặng. Từ ngày thứ tư, con rơi vào tình trạng lừ đừ, không ăn uống được khiến gia đình rất lo lắng”, chị Nguyệt bộc bạch.

Bác sĩ CKII Nguyễn Huỳnh Nhật Trường - Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ thông tin, đến thời điểm này, sốt xuất huyết ghi nhận tại Khoa thường xuất hiện ở trẻ nhỏ đến dưới 16 tuổi. Những trường hợp trở nặng thường xảy ra ở trẻ có tiền sử mắc bệnh và độ tuổi từ 9 đến 16.

 Phụ huynh chăm con mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Ảnh: Yến Phương.

Phụ huynh chăm con mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Ảnh: Yến Phương.

Tại các tỉnh lân cận, sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, đến tuần 24, tỉnh ghi nhận 751 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 10,1% (69 ca) so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, từ tuần 17, số ca mắc có xu hướng tăng cao hơn. Dự báo, bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/7, toàn tỉnh Cà Mau ghi nhận trên 370 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, số ca mắc tăng nhanh trong những tháng mùa mưa, trong đó có nhiều ca diễn biến nặng.

Đại diện Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau cho hay, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 7, Khoa Nhi của bệnh viện tiếp nhận 15 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca nặng phải thở máy. Qua xét nghiệm, 1/3 số bệnh nhân có huyết thanh sốt xuất huyết nặng. Bệnh viện đã tiến hành phân khoa điều trị, đối với những bệnh nhân có biểu hiệu sốt xuất huyết ở mức cảnh báo thì cho điều trị tại khoa Nhiễm.

Chủ động phòng chống từ cơ sở

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngành Y tế các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tăng cường giám sát dịch tễ, xử lý các ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi và đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp tại các hộ gia đình, trường học, nhóm cộng đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Y tế tỉnh Cà Mau đã thực hiện xử lý hơn 230 ổ dịch sốt xuất huyết, đạt tỷ lệ 100%.

Ông Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau thông tin: “Ngành Y tế đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, đoàn thể tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân, hướng dẫn biện pháp diệt lăng quăng, thả cá; yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, dịch truyền; tổ chức kiểm tra, giám sát tại các điểm nóng về dịch bệnh”.

Nhờ những nỗ lực tuyên truyền của ngành chức năng và chính quyền địa phương, nhiều gia đình đã chủ động hơn trong phòng chống dịch. Đồng thời, một số cơ sở trường mầm non tư thục trên địa bàn cũng tích cực phối hợp với ngành Y tế để đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong dịp hè.

 Trường học giữ trẻ dịp hè ở Cà Mau tăng cường phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Quách Mến.

Trường học giữ trẻ dịp hè ở Cà Mau tăng cường phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Quách Mến.

Bà Nguyễn Mai Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Mần non Hạnh Phúc (An Xuyên, Cà Mau) cho biết, trường hiện có 5 lớp hè, mỗi lớp từ 15 đến 20 trẻ. Trong thời gian tổ chức giữ trẻ từ tháng 6 đến tháng 8, việc đảm bảo sức khỏe cho trẻ là nhiệm vụ được trường đặt lên hàng đầu.

“Nhà trường đã tích cực phối hợp với ngành Y tế trong việc phun thuốc diệt muỗi, phát hoang bụi rậm, thường xuyên vệ sinh đồ dùng và đồ chơi của trẻ, tập cho trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ. Nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe, nhà trường sẽ phối hợp với phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời”, bà Hương chia sẻ.

Bác sĩ CKII Trần Thiên Lý - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau thông tin, Ban Giám đốc Bệnh viện luôn quán triệt đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng, ý thức trong việc thăm khám, nhận diện sớm bệnh để có hướng điều trị kịp thời. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, thuốc điều trị cần thiết, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh chuyển biến nặng dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, mệt lả… gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tránh biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, diệt muỗi, diệt lăng quăng là biện pháp quan trọng. Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.

Ngoài ra, việc tiêm phòng vaccine ngừa sốt xuất huyết (Dengue) cũng là một biện pháp hữu hiệu. Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ, giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Phụ huynh có thể đưa trẻ đến bệnh viện để được tư vấn, xét nghiệm và tiêm chủng theo đúng phác đồ.

Quách Mến - Yến Phương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sot-xuat-huyet-vao-mua-o-dbscl-nhieu-ca-benh-nang-o-tre-em-post740789.html