Sovico Group cùng Keppel xây tuyến cáp quang biển nối Việt Nam với Singapore

Sovico Group ủng hộ xây dựng lắp đặt một tuyến cáp nối trực tiếp Việt Nam với Singapore với chi phí khoảng 150 triệu USD.

Theo nguồn tin từ Reuters, Tập đoàn Keppel (Singapore) và Tập đoàn Sovico đang thảo luận về kế hoạch xây dựng tuyến cáp quang ngầm mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu trong khu vực.

Các quốc gia Đông Nam Á, một ngã ba chính của các tuyến cáp kết nối châu Á với châu Âu, đang tìm cách mở rộng mạng lưới của họ để đáp ứng nhu cầu bùng nổ về các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm dữ liệu. Riêng Việt Nam, kế hoạch sẽ có 10 tuyến cáp ngầm mới vào năm 2030.

Theo một kế hoạch đang được thảo luận, một tuyến cáp sẽ được lắp đặt để nối trực tiếp Việt Nam với Singapore với mức chi phí vào khoảng 150 triệu USD.

Sovico ủng hộ phương án này, nhưng các cuộc đàm phán với Keppel về tuyến cáp vẫn đang diễn ra và chưa có thỏa thuận nào được đưa ra.

Tập đoàn của Việt Nam cho biết Keppel muốn một kế hoạch cáp tham vọng hơn với sự tham gia của một nhóm các nhà đầu tư.

Theo kế hoạch thứ hai, tuyến cáp kết nối với Việt Nam do Sovico phát triển sẽ là nhánh của một tuyến cáp dài hơn, rằng tuyến cáp này sẽ chạy từ Singapore đến Nhật Bản và kết nối đến các quốc gia dọc tuyến đường.

Sovico, một tập đoàn lớn trong hàng không, ngân hàng, bất động sản và gắn liền với tên tuổi của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gần đây đã công bố kế hoạch phát triển trung tâm dữ liệu.

Cuối tháng trước, một lãnh đạo của Sovico đã đề cập đến kế hoạch hợp tác xây dựng tuyến cáp của công ty với Keppel vào trong cuộc họp nội bộ với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các công ty khác tham gia vào nền kinh tế số.

Singapore là một trung tâm lớn về trung tâm dữ liệu và cáp ngầm, nhưng quốc đảo nhỏ này đã gần như bão hòa khả năng sử dụng dữ liệu của mình. Vào tháng 11, Keppel đã đồng ý mua một cơ sở trung tâm dữ liệu AI tại Nhật Bản.

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường lớn cho các nền tảng trực tuyến, nhưng hiện chỉ được kết nối với cơ sở hạ tầng internet toàn cầu thông qua năm nhánh ngầm dưới biển tới các tuyến cáp quốc tế.

Các chuyên gia trong ngành coi kế hoạch tăng gấp ba số lượng cáp của công ty này là động thái có thể thúc đẩy cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu khu vực thay thế, bất chấp các vấn đề về nguồn điện và các quy định nghiêm ngặt về dữ liệu.

Theo chiến lược hạ tầng số đến 2025 và định hướng đến 2030 vừa được Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký quyết định phê duyệt, chiến lược này đề ra tầm nhìn về một Việt Nam siêu kết nối với khát vọng phổ cập cáp quang đến từng gia đình.

Không dừng lại ở đó, mục tiêu của chiến lược còn tham vọng phủ sóng 5G trên toàn bộ các tỉnh thành, từ những khu công nghệ cao sôi động, các trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo, cho đến cảng biển, sân bay quốc tế nhộn nhịp.

Song song với đó, ít nhất hai tuyến cáp quang biển quốc tế sẽ được đưa vào hoạt động, mở đường cho những trung tâm dữ liệu hỗ trợ AI hiện đại, đạt chuẩn "xanh" với hiệu suất sử dụng năng lượng không vượt quá 1,4.

Để đạt được những mục tiêu trên, chiến lược đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm đối với hạ tầng viễn thông, hướng tới tất cả đều được phủ sóng bằng cáp quang tốc độ cao và wifi thế hệ mới.

Chặng đường phát triển viễn thông của Việt Nam không chỉ dừng lại ở kết nối trong nước, mà còn mở rộng quy mô ra tầm quốc tế.

Các tuyến cáp quang biển, đất liền và vệ tinh sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, với khả năng kết nối đa dạng và an toàn.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/sovico-group-cung-keppel-xay-tuyen-cap-quang-bien-noi-viet-nam-voi-singapore-d38383.html