Việt Nam sẵn sàng đón sóng công nghiệp bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn hứa hẹn là cơ hội lớn để Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm công nghệ cao hàng đầu khu vực và thế giới.
Mới đây, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và “ông trùm” bán dẫn toàn cầu NDIVIA được ký kết. Sự kiện này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá là “cú hích” giúp Việt Nam có được “bước nhảy vọt về công nghệ” trong thời gian tới.
“Sự kiện ký kết thỏa thuận với NDIVIA được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá rất cao về sự quyết tâm, hành động quyết liệt của lãnh đạo các cấp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, sáng ngày 14/12.
Công nghiệp bán dẫn mở ra tương lai mới
Chất bán dẫn là vật liệu có thể thay đổi trạng thái dẫn điện và cách điện trong các điều kiện khác nhau, được sử dụng để điều chỉnh dòng điện thông qua nhiệt độ, ánh sáng. Chất bán dẫn được dùng để sản xuất chip, cấu phần quan trọng cho các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất thiết bị điện tử, công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật hay xe điện.
Chính vì vậy, ngành công nghiệp bán dẫn là ngành mũi nhọn, quyết định tương lai của nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc, với giá trị thị trường ước đạt gần 600 tỷ USD trong năm nay.
Hòa chung xu thế, nhờ chính sách cởi mở, nguồn nhân lực chất lượng và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam hiện đã thu hút 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Qualcomm và Google đang gia tăng đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Những quyết định đầu tư của các ông lớn toàn cầu không chỉ khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực mà còn đặt nền móng cho tham vọng trở thành cường quốc công nghệ, công nghiệp bán dẫn tại châu Á.
“Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo nếu tận dụng tốt nguồn nhân lực và cơ hội hợp tác quốc tế,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việc phát triển nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng các trường đại học hàng đầu và đối tác quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về vi mạch bán dẫn. Các phòng thí nghiệm hiện đại và các khóa học ngắn hạn đang được triển khai nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và sinh viên.
Tuy nhiên, ngành bán dẫn đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ phức tạp và cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong khi hệ thống điện và năng lượng tái tạo của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cao của các tập đoàn công nghệ. Cạnh tranh từ các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ cũng đặt ra áp lực lớn trong việc giữ chân các nhà đầu tư.
“Việc hợp tác với NVIDIA chỉ là khởi đầu. Việt Nam cần cải thiện tốc độ triển khai chính sách, nâng cao tính sẵn sàng của hạ tầng, và duy trì mối quan hệ bền vững với các tập đoàn lớn,” một chuyên gia nhận định.
Với quyết tâm cao từ các cấp lãnh đạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp,” ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá, trở thành trung tâm công nghệ lớn trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/viet-nam-san-sang-don-song-cong-nghiep-ban-dan-d38389.html