SpaceX thử nghiệm thành công nhiệm vụ giải cứu phi hành đoàn
Sáng 20/1 (theo giờ Việt Nam), công ty SpaceX đã tiến hành thành công cuộc thử nghiệm, trong đó chứng minh khả năng giúp phi hành đoàn thoát hiểm khỏi tàu vũ trụ trong trường hợp khẩn cấp.
Vụ phóng thử được thực hiện tại Tổ hợp bệ phóng 39A thuộc Trung tâm Vũ trụ Kennedy của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ở bang Florida. Tên lửa Falcon 9 - có nhiệm vụ mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon cùng hai phi hành gia "hình nộm" của SpaceX lên quỹ đạo - đã bị nổ tung. Tuy nhiên, con tàu Crew Dragon đã kịp thời tách khỏi tên lửa khoảng 90 giây sau khi phóng lên, tự động bung dù và hạ cánh an toàn xuống Đại Tây Dương.
Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng của SpaceX. Tên lửa Falcon 9 của công ty này đã được sử dụng để vận chuyển các loại hàng hóa, hành lý lên vũ trụ trong nhiều năm nay, song chưa bao giờ được dùng để đưa người lên vũ trụ. Bài thử nghiệm vừa qua là một trong những bài thử nghiệm quan trọng nhất, nhằm kiểm chứng khả năng tồn tại của tàu Crew Dragon trong trường hợp tên lửa gặp trục trặc.
Tên lửa Falcon 9 tất nhiên đã hư hỏng nặng sau khi nổ tung, còn tàu Crew Dragon đã được lực lượng cứu hộ định vị và thu hồi chỉ vài giờ sau khi "đáp" xuống đại dương.
Theo đánh giá của NASA, nhiệm vụ trên đã diễn ra đúng như kế hoạch. Trên Twitter, Giám đốc NASA Jim Bridenstine viết: "Chúc mừng NASA và SpaceX đã thử nghiệm thành công nhiệm vụ thoát hiểm. Thử nghiệm cực kỳ quan trọng này cho phép chúng ta đến gần hơn với việc đưa những phi hành gia Mỹ lên vũ trụ từ chính đất Mỹ".
Kể từ khi ngừng hoạt động của các tàu con thoi vào năm 2011, NASA phải phụ thuộc vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa người lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
SpaceX và Boeing là hai công ty được NASA lựa chọn để phát triển các tàu vũ trụ có thể mang theo phi hành gia và phóng từ Mỹ. Thử nghiệm trên là một phần chương trình hợp tác giữa NASA và SpaceX để đưa phi hành gia lên vũ trụ. Cả NASA và SpaceX đều truyền trực tiếp sự kiện trên.
Theo kế hoạch, SpaceX sẽ đưa phi hành gia của NASA lên vũ trụ trong quý II/2020.