SPIEF 2021 nhấn mạnh chủ đề bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, sáng 4/6, trong ngày làm việc thứ 3 của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF 2021) đã diễn ra hội thảo bàn tròn với chủ đề: 'Cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu - Tạo môi trường tin tưởng'.
Đây là một trong những nội dung thảo luận nằm trong trong nhóm chuyên đề “Công nghệ, những chân trời rộng mở”, một trong 4 nhóm chuyên đề thuộc Chương trình Kinh doanh của diễn đàn. Chủ trì và điều hành hội thảo là ông Andrey Bezrukov, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu chủ quyền công nghệ; Giáo sư Khoa Phân tích ứng dụng các vấn đề quốc tế, Học viện Ngoại giao quốc gia Moskva (MGIMO) thuộc Bộ Ngoại giao Nga.
Mở đầu hội thảo, Chủ tịch Bezrukov nhận định rằng tiến trình số hóa đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh sẽ làm nảy sinh vấn đề đảm bảo an toàn cho hạ tầng cơ sở thông tin trọng yếu. Do đó, cần xây dựng một hệ sinh thái tin cậy, an toàn làm nền tảng cho số hóa. Ông cũng cho biết đây là một tiến trình dài nên các doanh nghiệp cần nhận thức về vấn đề này để tham gia hợp tác, trước tiên là trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), rồi đến các tập đoàn lớn của Nga như tập đoàn hạt nhân Rosatom, tập đoàn viễn thông Rostelecom.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Tổng Giám đốc công ty an ninh mạng Kaspersky Lab, ông Eugene Kaspersky đã nhắc lại vụ tấn công mạng nhằm vào tập đoàn Aramco của Saudi Arabia năm 2011 khiến hoạt động của tập đoàn này ngừng trệ trong suốt hai tuần. Ông đồng thời cho rằng các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng và viễn thông là các mục tiêu thường xuyên của tin tặc. Tuy nhiên, Kaspersky Lab có thể phát triển phần mềm cho phép bảo vệ hệ thống an toàn trước các cuộc tấn công này, hoặc vẫn giám sát được việc tin tặc tiếp cận hệ thống.
Ông Kaspersky khẳng định công nghệ để đối phó với các cuộc tấn công mạng là có, nhưng vấn đề nằm ở chỗ cần phối kết hợp mọi doanh nghiệp, đào tạo về an ninh mạng cho các nhân viên và thường xuyên kiểm tra.
Trong khi đó, ông Andrey Butko, Tổng Giám đốc công ty Hệ thống Điều khiển tự động Rusatom chuyên về đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng thông tin hạt nhân, cho rằng việc thiết lập hệ thống đảm bảo an toàn cho thị trường hạt nhân là một thách thức. Việc đào tạo các nhân viên chuyên đối phó khi có sự cố hạt nhân xảy ra cần phải được chính phủ hỗ trợ.
Về phần mình, ông Andrey Golov, Tổng Giám đốc công ty an ninh Security Code LLC, lại tỏ ý hoài nghi về khả năng Nga xuất khẩu công nghệ an ninh mạng cho các nước. Nguyên nhân chính là do đây là công nghệ lưỡng dụng và các nước cũng chưa hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ bảo mật của Nga.
Trước các ý kiến về việc công nghệ an ninh mạng của Nga trước tiên cần ứng dụng trong phạm vi EAEU, sau khi thành công có thể tính tới bước tiếp theo là xuất khẩu sang khác nước khác, ông Golov đã đề xuất ý tưởng tạo ra một công nghệ để dựa trên đó, mỗi nước có thể tự xây dựng hệ thống bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin của mình, tự chủ về công nghệ an ninh mạng.
Phó Chủ tịch phụ trách an ninh thông tin của tập đoàn viên thông Nga Rostelecom, ông Igor Lyapunov, cũng đồng quan điểm với ông Golov khi đang giá rằng trình độ công nghệ thông tin của Nga vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu về công nghệ thống tin hiện nay trên thế giới. Do đó chưa thể áp đặt chỉ dùng thiết bị và công nghệ thông tin nội địa tại LB Nga.
Chuyên gia độc lập Dani Danone, Đại diện thường trực của Israel tại Liên hợp quốc giai đoạn 2015-2020, nêu vấn đề chính phủ cần đóng vai trò hàng đầu trong việc đảm bảo an toàn thông tin. Trẻ em từ khi còn học ở trường phổ thông cũng cần được giảng dạy về vấn đề an ninh thông tin. Ông cũng nhấn mạnh rằng hệ sinh thái thông tin cần được bảo vệ an toàn và cần sự hợp tác trên toàn thế giới
Thứ trưởng Bộ Công Thương LB Nga Vasily Shpak phát biểu cho rằng an ninh mạng là yếu tố vô cùng quan trọng và đây là một thách thức đối với Chính phủ Nga, do đó cần thiết lập các hệ thống thông tin của riêng nước Nga. Để làm được điều này cần xem xét một cách tổng thể, phối hợp giữa các bộ/ngành của Nga, đồng thời xem xét viêc ứng dụng các công nghệ mới như tính toán lượng tử hay trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng Shpak khẳng định đây là “Mặt trận an toàn thông tin” và phải quản lý vấn đề này xuyên suốt từ cấp cao. Nga hiện đang có vị thế thuận lợi để từng bước giải quyết vấn đề an ninh thông tin vì có nền khoa học phát triển và thúc đẩy chương trình thay thế hàng hóa nhập khẩu.
Kể từ năm 1997, Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg đã trở thành diễn đàn hàng đầu thế giới dành cho các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề kinh tế quan trọng mà Nga, các thị trường mới nổi và toàn thế giới phải đối mặt. Kế hoạch tổ chức diễn đàn trong năm 2020 đã bị hủy bỏ do đại dịch COVID-19.