Sputnik V và liệu pháp tinh thần

Nước Nga vừa công bố điều chế thành công vắc-xin ngừa Covid-19, đặt tên là Sputnik V - lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên bang Xô Viết (cũ) phóng lên vũ trụ vào năm 1957.

Cái tên vắc-xin cùng với những lời tuyên bố phê duyệt chắc nịch từ vị nguyên thủ quốc gia Nga - Tổng thống Vladimir Putin - như: "hoạt động hiệu quả", "tạo ra được miễn dịch ổn định", "vượt qua mọi khâu kiểm định", "tiến hành sản xuất hàng loạt"... thể hiện sự vững tin và niềm tự hào của nền khoa học Nga, của người Nga. Theo đó, Nga là quốc gia đầu tiên trong thời gian ngắn đã phát minh thành công chế phẩm kháng nguyên chống lại virus corona chủng mới đang khiến toàn cầu thất điên bát đảo!

Tất nhiên, thành quả của y học Nga, cụ thể là Viện Gamaleya, còn phải chờ hiệu quả thực tế kiểm chứng, trước mắt là phải vượt qua bao mối hoài nghi từ nhiều tổ chức/ công ty về y - dược khắp thế giới, nhất là các quốc gia phương Tây đang cùng chạy đua điều chế vắc-xin ngừa Covid-19. Lý do gây nghi ngại về hiệu quả và an toàn của vắc-xin Sputnik V tựu trung là "chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 với sự tham gia của hàng nghìn người".

Ngược lại với sự hoài nghi đó, nước Nga vẫn khẳng định hiệu quả và an toàn, rằng Sputnik V còn sẽ còn trải qua vài bài test nữa để hoàn thiện, song quan trọng là Nga đã có đơn đặt hàng 1 tỉ liều vắc-xin Sputnik V do khoảng 20 quốc gia Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á đặt mua. Đó là bằng chứng về niềm tin! Riêng ở Đông Nam Á, Philippines là quốc gia sớm hưởng ứng vắc-xin ngừa Covid-19 do Nga điều chế. Nước này lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào tháng 10 và dự kiến tiêm ngừa vào tháng 5-2021.

Rõ ràng là đối với Sputnik V, tất cả chúng ta phải đợi thêm một thời gian nữa mới "biết đá biết vàng". Nhưng trong hơn 9 tháng qua kể từ khi khởi phát vào cuối tháng 12-2019 ở TP Vũ Hán (Trung Quốc) đến nay, Covid-19 đã tàn phá thế giới với tốc độ lây lan cực nhanh, phạm vi cực rộng và hậu quả cực kỳ khủng khiếp, bất chấp mọi nỗ lực "đề kháng" của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các cường quốc về y học. Đến bây giờ, toàn cầu vẫn còn trong thế thúc thủ trước kẻ thù vô hình mang tên Covid-19. Bấy nhiêu thời gian, bấy nhiêu tổn thất là bấy nhiêu kỳ vọng, mong chờ về một thứ "vũ khí" hữu hiệu chống đại dịch toàn cầu này, trước tiên là vắc-xin, sau đó là thuốc điều trị. Thế nên, khi nước Nga tuyên bố phê duyệt vắc-xin Sputnik V ngừa Covid-19, nhân loại như hứng đón một cơn mưa rào sau bao tháng ngày khát cháy! Nó tạm thời xua tan nỗi lo lắng và thất vọng về sự bế tắc của y học thế giới trước virus SARS-CoV-2, đồng thời thắp lên niềm tin về một ngày không xa kẻ thù Covid-19 sẽ bị đánh bại.

Từ đó, phải nói rằng thành quả y học ban đầu nói trên của Nga trước hết có tác dụng như một liệu pháp tinh thần quan trọng đối với người dân toàn cầu. Đó là niềm tin, tin vào thực lực của con người, tin vào khả năng chiến thắng đại dịch của loài người. Mà niềm tin ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi nhân loại đã từng vượt qua nhiều đại dịch trong quá khứ, như: cúm Hồng Kông (1970), SARS (2003), cúm A/H1N1 (2010), Ebola (2016)...

Y Qua

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/sputnik-v-va-lieu-phap-tinh-than-20200813221122113.htm