Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi Tổng thống tháo chạy ra nước ngoài

Sri Lanka hôm 13/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp vài giờ sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bay đến Maldives bằng máy bay phản lực quân sự. Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống và Thủ tướng phải từ chức trước 13h (giờ địa phương, tương đương 15h Việt Nam).

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa - người đã cố gắng rời khỏi đất nước trước khi chính thức từ chức (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa - người đã cố gắng rời khỏi đất nước trước khi chính thức từ chức (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe - trên cương vị Tổng thống lâm thời - đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trên khắp Sri Lanka, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước. Wickremesinghe cũng áp đặt lệnh giới nghiêm ở tỉnh Western, nơi có thủ đô Colombo.

Một hàng rào an ninh đã được thiết lập để bảo vệ văn phòng Thủ tướng tại thủ đô Colombo khi những người biểu tình tiến về tòa nhà để thúc giục ông từ chức. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để ngăn chặn đám đông giận dữ.

Lực lượng an ninh bao quanh văn phòng Thủ tướng (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Lực lượng an ninh bao quanh văn phòng Thủ tướng (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Trước đó, ngày 8/7, những người biểu tình đã xông vào dinh thự của ông Rajapaksa và hô vang khẩu hiệu chống lại ông. Đến nay, người dân vẫn đang tiếp tục chiếm giữ ba tòa nhà chính ở thủ đô Colombo là Phủ Tổng thống, văn phòng thư ký Tổng thống và dinh Thủ tướng.

Ngườ biểu tình bên trong dinh thự Tổng thống (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Ngườ biểu tình bên trong dinh thự Tổng thống (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Phát ngôn viên của Lực lượng Không quân cho biết Tổng thống Rajapaksa đã bay đến Maldives cùng vợ trên một chiếc máy bay quân sự. Lãnh đạo 73 tuổi đã hứa sẽ từ chức vào ngày 13/7, tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa nhận được đơn từ chức chính thức.

Các đảng phái chính trị của Sri Lanka đang tăng cường nỗ lực thành lập một chính phủ mới và tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 20/7 để ngăn chặn quốc gia đã phá sản tiếp tục rơi vào tình trạng vô chính phủ.

Nếu ông Rajapaksa tuyên bố từ chức hôm nay, theo Hiến pháp Sri Lanka, Quốc hội dự kiến sẽ họp vào ngày 15/7, công bố danh sách ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống vào ngày 19/7 và và tiến hành bầu cử vào ngày 20/7. Ngoài ra, nếu cả Tổng thống và Thủ tướng từ chức, ông Mahinda Yapa Abeywardena - Chủ tịch Quốc hội sẽ trở thành Tổng thống lâm thời trong thời gian tối đa là 30 ngày. Nghị viện sẽ bầu ra một Chủ tịch mới, người sẽ giữ chức vụ trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ hiện tại.

Ông Mahinda Yapa Abeywardena - Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Ông Mahinda Yapa Abeywardena - Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Sri Lanka, quốc đảo với 22 triệu dân, đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ, khiến hàng triệu người phải vật lộn để mua thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác. Đồng nội tệ đã mất 81% giá trị trong năm qua, khiến hàng nhập khẩu căng trở nên đắt đỏ. Người dân phải sống với tình trạng mất điện kéo dài và lạm phát lương thực dao động ở mức 80%. Thủ tướng Wickremesinghe tuần trước cho biết nền kinh tế Sri Lanka đã hoàn toàn sụp đổ.

Sri Lanka đã vỡ nợ vào tháng 5, khi không thể trả khoản nợ quốc tế hơn 51 tỷ USD. Quốc đảo này hiện đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế về khoản cứu trợ trị giá 3 tỷ USD. Tuy nhiên, gói cứu trợ đang ngày càng trở nên xa vời khi đất nước mất đi nhà lãnh đạo. Trước diễn biến chính trị phức tạp trong nước, IMF hôm 10/7 cho biết đang theo dõi tình hình và hy vọng về một giải pháp sẽ cho phép các cuộc đàm phán tiếp tục.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/sri-lanka-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-sau-khi-tong-thong-thao-chay-ra-nuoc-ngoai-164496.html