Sri Lanka: Giá điện sẽ tăng hơn 800%
Công ty nhà nước độc quyền cung cấp điện ở Sri Lanka, đang thâm hụt nặng nề, muốn tăng giá điện lên hơn 800%, gây bất lợi cho những người nghèo nhất.
Đất nước này, đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948, đang thiếu đô la để nhập khẩu nhiên liệu cần thiết cho việc sản xuất điện.
Trong bối cảnh khủng hoảng này, CEB (Ceylon Electricity Board), nhà cung cấp điện duy nhất ở Sri Lanka, do Nhà nước kiểm soát, đã lỗ 65 tỷ rupee (185 triệu USD) trong quý đầu tiên năm nay, đòi tăng 835% giá điện hỗ trợ cho các gia đình nghèo nhất, theo Ủy ban Tiện ích Công cộng Sri Lanka (PUCSL).
Hệ thống định giá điện có hiệu lực cho đến nay cho phép một hộ gia đình tiêu thụ dưới 30 kilowatt mỗi tháng chỉ phải trả một mức giá trọn gói cố định là 54,27 rupee (0,15 đô la), CEB hiện muốn tăng lên 507,65 rupee (1,44 đô la).
Đối với Chủ tịch PUCSL, Janaka Ratnayake, "phần lớn người tiêu dùng sẽ không thể đối phó với sự gia tăng như vậy". "Đây là lý do tại sao chúng tôi đang đề xuất một khoản trợ cấp trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước để giảm hơn một nửa mức tăng mà CEB yêu cầu", ông giải thích với báo chí tại Colombo.
Chính phủ Sri Lanka vẫn chưa quyết định mức giá điện áp dụng cho cá nhân nhưng mức giá cho thương mại và công nghiệp sẽ tăng từ 43 đến 61%.
Kể từ đầu năm, giá dầu diesel đã tăng hơn gấp bốn lần và giá xăng tăng hơn gấp đôi ở Sri Lanka, nơi hai loại nhiên liệu này đang thiếu hụt. Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekera cho biết ông không thể đưa ra thời gian biểu cho các đợt giao hàng tiếp theo tại một quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài về nguồn cung dầu.
Bộ trưởng Wijesekera, sau khi xin lỗi những người lái xe vào Chủ nhật, đã thông báo rằng hai đồng nghiệp của ông đang trên đường đến Moscow để thương lượng giá nhiên liệu thấp hơn. Bản thân ông Wijesekera đã tới Qatar để đàm phán về việc giảm giá hydrocacbon cung cấp cho Sri Lanka.
Hôm thứ Hai, Chính phủ Sri Lanka buộc phải thông báo đình chỉ tất cả các hoạt động bán nhiên liệu trong hai tuần, kể từ 0h thứ Ba, trừ những ngành thiết yếu như y tế.
Phát ngôn viên chính phủ Bandula Gunawardana giải thích rằng quyết định này nhằm "bảo toàn lượng nhiên liệu dự trữ nhỏ mà chúng tôi còn lại", đồng thời xin lỗi người tiêu dùng một lần nữa.
Không thể trả khoản nợ nước ngoài khoảng 51 tỷ USD, Sri Lanka đã công bố vỡ nợ vào tháng 4 để bắt đầu đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đại sứ quán Mỹ tại Colombo giải thích, một phái đoàn từ Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đến nước này để "tìm kiếm những cách hiệu quả nhất để giúp đỡ những người Sri Lanka đang gặp khó khăn".
Liên Hợp Quốc ngày 10/6 cảnh báo cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có ở Sri Lanka có thể biến thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với hàng triệu người đang cần viện trợ.