Sri Lanka nỗ lực ứng phó cuộc khủng hoảng kinh tế

Bộ trưởng Y tế Sri Lanka Channa Jayasumana cho biết, 90 ngày sắp tới sẽ là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với ngành y tế trong nước do thiếu thốn thuốc men và vật tư y tế, bắt nguồn từ thiếu hụt ngoại tệ. Chính phủ Sri Lanka hiện gần như hoàn toàn trông chờ vào nguồn viện trợ quốc tế để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Người dân biểu tình chống lại Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế của đất nước, tại Colombo, Sri Lanka, ngày 16/4. (Ảnh: REUTERS)

Người dân biểu tình chống lại Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế của đất nước, tại Colombo, Sri Lanka, ngày 16/4. (Ảnh: REUTERS)

Đứng bên bờ vực vỡ nợ, Chính phủ Sri Lanka đang phải đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một chương trình cho vay khẩn cấp để giúp Colombo ưu tiên trang trải những khoản chi tiêu thiết yếu nhằm bảo vệ người nghèo và những người dễ bị tổn thương, bảo đảm an ninh xã hội và tiến tới ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ Y tế Sri Lanka cũng phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức, chuyên gia để có thuốc men và trang thiết bị y tế.

Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra trong những tuần gần đây khi lương thực thiếu, giá nhiên liệu tăng vọt và điện bị cắt trên diện rộng do cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có này. Toàn bộ 26 Bộ trưởng trong Chính phủ Sri Lanka đã đồng loạt từ chức. Mới đây, hàng nghìn sinh viên đại học ở Sri Lanka kéo tới nhà Thủ tướng Mahinda Rajapaksa gây sức ép đòi ông từ chức.

Gánh khoản nợ nước ngoài khổng lồ, lên tới 51 tỷ USD, Chính phủ Sri Lanka đã quyết định đình chỉ việc trả một số khoản nợ trong khi chờ chương trình cơ cấu lại nợ được IMF chấp thuận. Sri Lanka cần ít nhất 4 tỷ USD để làm dịu cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng tồi tệ. Tuy nhiên, IMF cho biết, bất kỳ thỏa thuận nào đạt được cũng phải bảo đảm Colombo có thể đưa ra một lộ trình thanh toán nợ bền vững.

Các quan chức IMF đã có "các cuộc thảo luận kỹ thuật hiệu quả" với giới chức Sri Lanka về khoản vay khẩn cấp mà Colombo đề nghị để đối phó cuộc khủng hoảng hiện nay. Trưởng phái đoàn IMF tại Sri Lanka Masahiro Nozaki nêu rõ, IMF hoan nghênh kế hoạch của nhà chức trách Sri Lanka trong việc đối thoại hợp tác với các chủ nợ.

Trong khi đó, Ấn Ðộ cũng đã đồng ý cung cấp khoản tín dụng bổ sung trị giá 500 triệu USD để giúp Sri Lanka nhập khẩu nhiên liệu. Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry cũng bày tỏ hy vọng New Delhi sẽ xem xét cung cấp thêm 1 tỷ USD vốn tín dụng nữa sau khi Ấn Ðộ đồng ý trì hoãn khoản thanh toán hàng nhập khẩu trị giá 1,5 tỷ USD mà Sri Lanka nợ Ấn Ðộ. Cục Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc cũng thông báo quyết định hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp Sri Lanka nhằm giúp quốc gia Nam Á ứng phó những thách thức đang đối mặt.

IMF rất quan ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka và những tác động tiêu cực của nó đối với người dân, nhất là người nghèo và dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, IMF đánh giá nợ công của Sri Lanka không bền vững, do đó Colombo cần thực hiện các biện pháp nhằm khôi phục tính bền vững của nợ công trước khi nhận bất kỳ khoản vay nào.

Mỹ Vân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/sri-lanka-no-luc-ung-pho-cuoc-khung-hoang-kinh-te-694577/