Sri Lanka vật lộn với khủng hoảng nợ

Ngày 12/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka (CBS) thông báo tạm ngừng việc thanh toán nợ nước ngoài và tiền lãi. Đây là phương án cuối cùng sau khi Sri Lanka không còn đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu.

Dòng xe xếp hàng chờ đổ xăng ở thủ đô Colombo. (Ảnh REUTERS)

Dòng xe xếp hàng chờ đổ xăng ở thủ đô Colombo. (Ảnh REUTERS)

Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948. Từ một thiên đường du lịch ở Nam Á, đảo quốc hình giọt lệ bị nạn khủng bố và đại dịch Covid-19 tàn phá, mất nguồn thu ngoại tệ quan trọng và từng bước rơi vào nguy cơ vỡ nợ. Trong khi nhà nước phải dựa quá nhiều vào vay nợ để chi tiêu, dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm hơn 2/3 trong hai năm qua. Tổng số nợ nước ngoài của Sri Lanka hiện lên đến 51 tỷ USD, trong khi GDP năm 2021 chỉ là 81 tỷ USD. Sri Lanka phải thanh toán bốn tỷ USD nợ nước ngoài trong năm nay, trong đó có một tỷ USD trái phiếu chính phủ đáo hạn vào tháng 7/2022. Nhưng dự trữ ngoại hối của Sri Lanka chỉ còn khoảng 1,93 tỷ USD, tính đến cuối tháng 3/2022. Do vậy, chính phủ buộc phải áp nhiều biện pháp hạn chế tiền tệ mạnh mẽ và cấm nhập khẩu nhiều hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, hậu quả là tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu, cùng với đó là tình trạng mất điện kéo dài. Giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh và lạm phát vọt lên mức cao nhất lịch sử 17,5% vào tháng 3/2022. Giá 1 kg gạo bình thường chỉ 80 rupee Sri Lanka đã tăng lên tới 500 rupee (1,53 USD). Việc thiếu nguồn cung nhiên liệu khiến hoạt động giao thông vận tải công cộng tê liệt. Công ty điện lực quốc gia Sri Lanka thông báo tăng thời gian cắt điện hằng ngày lên 13 giờ do không có đủ dầu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện. Các bác sĩ cảnh báo cuộc khủng hoảng y tế có thể giết nhiều người ở Sri Lanka còn hơn cả Covid-19, trong bối cảnh nước này sắp cạn sạch thuốc men và dụng cụ y tế.

Tình trạng khan hiếm các mặt hàng thiết yếu khiến hàng nghìn người xuống đường biểu tình kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (Gô-ta-bai-a Ra-gia-pắc-xa) từ chức. Tổng thống Rajapaksa buộc phải áp đặt lệnh giới nghiêm và tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 4 để đối phó bất ổn lan rộng và nguy cơ biểu tình bạo lực tiếp diễn tại thủ đô Colombo.

Giữa lúc khủng hoảng leo thang, toàn bộ 26 Bộ trưởng trong Chính phủ Sri Lanka đã từ chức cách đây hai tuần. Tân Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry (A-li Xa-bri) cũng từ chức chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm vị trí này. Ngày 8/4, đảng đối lập chính Samagi Jana Balawegaya (SJB) yêu cầu chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, nếu không sẽ phải đối mặt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Bộ Tài chính Sri Lanka thông báo các chủ nợ, bao gồm các chính phủ nước ngoài, được quyền vốn hóa tiền lãi đáo hạn từ ngày 12/4, hoặc lựa chọn nhận thanh toán bằng đồng rupee của Sri Lanka. Với thông báo này, Sri Lanka giữ lại 200 triệu USD tiền phải trả lãi vào ngày đáo hạn 18/4 và sẽ dùng số tiền này để thanh toán nhu yếu phẩm nhập khẩu.

CBS cho biết sẽ tạm dừng thanh toán các khoản nợ nước ngoài để tiến hành tái cơ cấu nợ và tránh nguy cơ "vỡ nợ cứng" (tức là tình trạng không còn khả năng chi trả). Việc thương thuyết về các khoản vay khẩn cấp giữa Colombo và các chủ nợ chính thức bắt đầu vào ngày 11/4. Dự kiến, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ có các cuộc thảo luận với Sri Lanka về chương trình cho vay vào tuần tới nhằm giúp quốc gia Nam Á này vượt qua khủng hoảng. Nếu được duyệt thì đây sẽ là khoản vay IMF thứ 17 trong lịch sử Sri Lanka.

Đây là lần đầu Sri Lanka không thể trả nợ nước ngoài kể từ năm 1948. Động thái này của chính quyền Colombo cũng đã được các thị trường quốc tế lường trước nhiều tháng qua khi tình hình trong nước khó khăn. Chính IMF khuyến cáo Sri Lanka thương lượng với các chủ nợ - chủ yếu là Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản (chiếm 11% tổng nợ nước ngoài của Sri Lanka), Trung Quốc (10%), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các hãng tư nhân như BlackRock - để xin tạm dừng trả nợ cho đến khi đất nước ổn định trở lại.

Theo các chuyên gia, các bên cho vay không tạo ra thách thức kinh tế với Sri Lanka, mà vấn đề của quốc gia này là vay "đã tay" nhưng lại không tính tới các phương án trả nợ hợp lý. Thêm vào đó là chính sách quản lý tài chính yếu kém, tác động từ đại dịch Covid-19 với ngành du lịch, chi tiêu của chính phủ ở mức cao và việc cắt giảm thuế.

Sri Lanka đã lên tiếng đề nghị các quốc gia thân hữu như Trung Quốc và Ấn Độ hỗ trợ tài chính. Hồi tháng 3, Ấn Độ và Sri Lanka ký thỏa thuận vay ưu đãi trị giá một tỷ USD để Sri Lanka chi trả nhập khẩu lương thực, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu khác. Ấn Độ còn có thể cung cấp khoản hoán đổi và hỗ trợ lên tới hai tỷ USD cho nước láng giềng Nam Á. Với Trung Quốc, Sri Lanka đề nghị thông qua khoản vay và gói tín dụng tổng cộng 2,5 tỷ USD giúp Colombo trả chính số nợ đã vay Trung Quốc sắp đáo hạn và mua thêm nguyên liệu sản xuất.

Chính phủ Sri Lanka cũng kêu gọi công dân ở nước ngoài gửi kiều hối để "hỗ trợ đất nước vào thời khắc khó khăn", đồng thời cam kết số ngoại tệ này sẽ chỉ được sử dụng để mua nhu yếu phẩm như lương thực, nhiên liệu và thuốc men.

TÔ MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/sri-lanka-vat-lon-voi-khung-hoang-no-694304/