SSI nêu 6 động lực đưa VN-Index về đỉnh 1.500 điểm vào cuối năm nay
Sau giai đoạn tăng nóng, SSI cho rằng thị trường có thể chứng kiến mức độ biến động mạnh trong giai đoạn tháng 7, đầu tháng 8. Tuy nhiên chỉ số vẫn có thể lên mốc 1.500 điểm vào cuối năm.

Ảnh minh họa.
Trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2025 phát hàng ngày 11/7, SSI cho biết, việc VN-Index phục hồi mạnh so với đáy hồi đầu tháng 4/2025 đến từ việc lo ngại về thuế quan Mỹ tạm lắng và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khả quan. Theo ước tính của SSI, hơn 40 doanh nghiệp trong phạm vi nghiên cứu ghi nhận lợi nhuận quý 2/2025 tăng 12,2% so với cùng kỳ (YoY) và 19,9% so với quý trước (QoQ).
Trong ngắn hạn, SSI cho rằng thị trường có thể chứng kiến mức độ biến động mạnh trong giai đoạn tháng 7, đầu tháng 8 do áp lực chốt lời trong mùa kết quả kinh doanh ra vào cuối tháng 7; dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ bị hạn chế trong bối cảnh tỷ giá đã tăng hơn 3% trong 6 tháng đầu năm; tác động từ thuế quan bắt đầu được thể hiện rõ rệt hơn.
Mặc dù vậy, đơn vị phân tích vẫn duy trì quan điểm tích cực về thị trường trong dài hạn với mục tiêu VN-Index đạt 1.500 điểm vào cuối năm 2025, nhờ 6 động lực chính.
Thứ nhất, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định khi Chính phủ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, các động lực nội địa bao gồm cơ sở hạ tầng, thị trường bất động sản hồi phục. Cùng với đó là việc thúc đẩy kinh tế tư nhân có thể giúp Việt Nam tạo nền móng vững chắc cho đà tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thứ hai, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận bền vững. Tổng lợi nhuận ròng của hơn 79 doanh nghiệp trong phạm vi nghiên cứu của SSI ước tính tăng 14% YoY trong năm 2025, và tiếp tục duy trì đà tăng 15% YoY trong năm 2026. Các lĩnh vực đóng góp chính bao gồm ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng.
Việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày đã góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại mặt hàng trong quý 2 vừa qua và có thời gian chuẩn bị để giảm tác động từ thị trường này trong những quý tiếp theo.
Thứ ba, nguy cơ bất ổn định từ thuế quan được hạ nhiệt. Mặc dù yếu tố bất định về thuế quan vẫn còn liên quan đến mức thuế cụ thể đối với từng nhóm ngành nhưng khoảng cách thuế giữa Việt Nam và các quốc gia khác dần thu hẹp, giúp giảm rủi ro tổng thể. Bên cạnh đó, việc tỷ giá tăng cũng giúp hàng hóa của Việt Nam vẫn có sự hấp dẫn tương đối so với các quốc gia khác.
Thứ tư, định giá hấp dẫn. P/E dự phóng của thị trường đã tăng từ 8,8 lần (ngày 9/4) lên 11,9 lần vào ngày 9/7, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm là 12,8 lần. So với các thị trường trong khu vực, Việt Nam đang có định giá hấp dẫn, ROE (tỷ lệ sinh lời) mạnh mẽ và triển vọng lợi nhuận thuận lợi.

Định giá P/E của VN-Index so với các thị trường khác. Nguồn: SSI
Thứ năm, môi trường lãi suất thấp. Mức lợi suất 8,4% trên thị trường chứng khoán khá hấp dẫn so với lãi suất huy động bình quân quanh 4,6%, có tiềm năng thu hút lại một phần tiền gửi dân cư có xu hướng tăng nhanh trong các quý gần đây.
Cuối cùng, triển vọng nâng hạng thị trường tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tích cực trong những tháng tới. Việt Nam hiện đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí để nâng hạng từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chí của FTSE Russell và đang tiến rất gần đến việc hoàn tất 2 tiêu chí còn lại, bao gồm chu kỳ thanh toán (DvP) và chi phí liên quan đến giao dịch thất bại.
Với kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp cần thiết để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nâng hạng, SSI dự báo khoảng 90% khả năng Việt Nam sẽ được FTSE Russell công bố là thị trường mới nổi vào tháng 10/2025. Công ty chứng khoán cũng ước việc nâng hạng bởi FTSE có thể thu hút khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ ETF, chưa tính đến các quỹ chủ động.
Các cổ phiếu SSI cho rằng có tiềm năng thu thu dòng vốn đầu tư vào thị trường mới nổi gồm: VIC, VHM, MSN, VNM, HPG, VCB, SSI, VND, VIX, VRE, VCI, GEX, SHB, MCH, DGC.