Lợi nhuận doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ củng cố triển vọng thị trường

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại nửa đầu năm 2025 với nhiều tín hiệu tích cực, khi VN-Index vươn lên mức cao nhất trong ba năm. Đà hồi phục được củng cố bởi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, dòng tiền cá nhân dồi dào và kỳ vọng nâng hạng thị trường.

Dòng tiền nội dẫn dắt thị trường

Theo SSI Research, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại nửa đầu năm 2025 với diễn biến tích cực, khi chỉ số VN-Index đạt 1.376 điểm – mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, tăng 8,6% so với đầu năm và chỉ còn cách chưa đầy 10% so với đỉnh lịch sử được thiết lập vào đầu năm 2022.

Chỉ số VN30 cũng ghi nhận sự phục hồi ấn tượng, đóng cửa tháng 6 thấp hơn khoảng 6% so với vùng đỉnh ghi nhận trong giai đoạn sôi động cuối 2021 – đầu 2022. So với mức đáy ngày 9/4, VN-Index đã tăng mạnh tới 28%, phản ánh sự hồi phục đáng kể của thị trường nhờ loạt yếu tố nền tảng được cải thiện.

Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy đà tăng đến từ việc các lo ngại liên quan đến thuế quan từ phía Hoa Kỳ tạm thời hạ nhiệt, cùng với đó là sự phục hồi đáng khích lệ của tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong quý II.

Các chuyên gia từ SSI cho rằng, thị trường có thể biến động mạnh trong tháng 7 – đầu tháng 8, một phần do các tác động từ chính sách thuế quan sẽ dần thể hiện rõ rệt hơn trong dữ liệu xuất khẩu và lợi nhuận quý III của các ngành xuất khẩu nhạy cảm như dệt may, thủy sản, hay bất động sản khu công nghiệp.

Theo ước tính của SSI Research, hơn 40 doanh nghiệp theo dõi ghi nhận lợi nhuận quý II/2025 tăng 12,2% so với cùng kỳ và 19,9% so với quý trước. Xét theo ngành, bất động sản, ngân hàng và đặc biệt là nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup đã đóng vai trò dẫn dắt.

Thực tế, nếu loại trừ nhóm cổ phiếu Vingroup, chỉ số VN-Index gần như đi ngang so với đầu năm, song vẫn hồi phục 17% so với vùng đáy đầu tháng 4 – cho thấy sức bật đáng kể của thị trường trong bối cảnh chưa có sự đồng thuận rộng khắp về tăng trưởng lợi nhuận trên diện rộng.

Điểm nhấn đáng chú ý trong giai đoạn này là sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền nội địa. Trong môi trường lãi suất tiếp tục duy trì ở vùng thấp, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã trở thành lực lượng đóng góp chủ đạo cho thanh khoản thị trường, với quy mô mua ròng đạt tới 48.400 tỷ đồng. Tâm lý nhà đầu tư cá nhân cho thấy sự cải thiện rõ rệt so với các năm trước, thể hiện qua phản ứng tích cực sau mỗi đợt điều chỉnh sâu.

Dù triển vọng trung hạn đang khá tích cực, các chuyên gia từ SSI vẫn cho rằng, thị trường có thể đối mặt với những biến động ngắn hạn trong giai đoạn tháng 7 đến đầu tháng 8, khi áp lực chốt lời gia tăng vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II, trong khi dư địa nới lỏng tiền tệ tiếp tục bị giới hạn bởi áp lực tỷ giá – vốn đã tăng hơn 3% trong nửa đầu năm.

Kỳ vọng tăng trưởng vẫn bền vững

Nhìn về triển vọng dài hạn của thị trường, các chuyên gia từ SSI Research vẫn duy trì quan điểm tích cực, với kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể tiến tới vùng 1.500 điểm vào cuối năm nay. Động lực cho xu hướng này đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, với định hướng tăng trưởng bền vững của Chính phủ, cùng với các yếu tố hỗ trợ nội tại như đà phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ cải thiện cơ sở hạ tầng và chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cũng tạo nền tảng vững chắc. Theo ước tính của SSI Research, tổng lợi nhuận ròng của hơn 79 doanh nghiệp nghiên cứu sẽ tăng 14% so với cùng kỳ trong năm 2025, và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khoảng 15% trong năm 2026. Các lĩnh vực đóng góp chính bao gồm ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng.

Một yếu tố hỗ trợ khác là định giá thị trường vẫn ở mức hấp dẫn. Dù P/E dự phóng đã tăng từ 8,8 lần (ngày 9/4) lên 11,9 lần (ngày 9/7), mức này vẫn thấp hơn trung bình 5 năm là 12,8 lần. So với các thị trường trong khu vực, Việt Nam đang sở hữu mức định giá tương đối rẻ, đi kèm tỷ suất sinh lời trên vốn (ROE) cao và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động duy trì quanh mức 4,6% khiến mức lợi suất ước tính 8,4% từ thị trường cổ phiếu trở nên hấp dẫn.

Triển vọng nâng hạng thị trường tiếp tục là một yếu tố hỗ trợ quan trọng trong thời gian tới. Việt Nam hiện đã đáp ứng 7/9 tiêu chí để được nâng hạng từ thị trường cận biên (FTSE Frontier Market) lên thị trường mới nổi thứ cấp (FTSE Secondary Emerging Market), và đang tiệm cận với hai tiêu chí còn lại liên quan đến chu kỳ thanh toán (DvP) và chi phí giao dịch thất bại.

Những tiến bộ đạt được thời gian qua phần lớn nhờ việc ban hành hàng loạt văn bản pháp lý quan trọng như Thông tư 68/2024 về ký quỹ trước giao dịch, Thông tư 18/2025 hướng dẫn triển khai giải pháp không yêu cầu ký quỹ trước với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, hay Thông tư 03/2025 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 16/6/2025 – giúp đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản đầu tư bằng VNĐ mà không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự.

Các chuyên gia từ SSI kỳ vọng, Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét sửa đổi một số quy định còn lại như Thông tư 17/2024 và Nghị định 155/2020 nhằm gỡ bỏ các rào cản pháp lý còn tồn tại đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, dự thảo về việc triển khai tài khoản tổng (omnibus account) cũng đang được phối hợp xây dựng giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký, các sở giao dịch và các nhà cung cấp Hệ thống KRX – đánh dấu bước tiến mới trong việc cải thiện tính minh bạch và khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư tổ chức quốc tế.

Ông Bùi Ngọc Trung - Chuyên gia từ Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, thị trường đang đi qua một chu kỳ tăng trưởng dựa trên ba trụ cột là kỳ vọng nâng hạng thị trường, kết quả kinh doanh tích cực từ quý II làm nền tảng cho nửa cuối năm, và lực mua mạnh mẽ từ khối ngoại. Việc xây dựng danh mục đầu tư từ bây giờ không chỉ là nắm bắt cơ hội, mà còn là đón đầu một chu kỳ mới.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/loi-nhuan-doanh-nghiep-va-chinh-sach-ho-tro-cung-co-trien-vong-thi-truong-179865.html