SSI Research: Dự báo lãi ròng 2023 của Masan có thể xuống dưới 4.000 tỷ

Trong ngắn hạn, công ty chứng khoán SSI Research cho rằng mức tiêu thụ yếu sẽ tiếp tục kéo dài trong 1-2 quý tới sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN). Tuy nhiên mức sụt giảm sẽ thu hẹp hơn so với quý I/2023.

Trong năm 2023, MSN đặt kế hoạch doanh thu 90-100.000 tỷ đồng (tăng 18%-31% so với cùng kỳ) và kế hoạch lợi nhuận sau thuế 4-5.000 tỷ đồng (giảm 15% đến tăng 6%). Tập đoàn đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu ở tất cả các phân khúc, trong đó tăng trưởng doanh thu của WCM dự kiến đạt khoảng 23%-38%.

SSI Research cho biết, ban lãnh đạo MSN thừa nhận chi phí lãi vay cao hơn cùng với tiêu dùng yếu sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của tập đoàn trong ngắn hạn, nhưng vẫn tự tin về triển vọng dài hạn của công ty. MSN tính chi phí tài chính sẽ tăng khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương 41% so với cùng kỳ trong năm 2023 do lãi suất cao hơn.

Không "lạc quan" như kế hoạch của doanh nghiệp, trong báo cáo ngày 14/5, SSI Research dự phóng năm 2023, MSN sẽ đạt 86.415 tỷ đồng doanh thu, tăng 13,4% và lợi nhuận sau thuế 3.863 tỷ đồng, giảm 19% so với kết quả thực hiện được của năm 2022. So với kế hoạch thấp nhất của doanh nghiệp cho năm nay (90.000 tỷ doanh thu và 4.000 tỷ lợi nhuận), dự phóng này vẫn thấp hơn 4% và 3%. Thậm chí, dự phóng lần này của SSI Research còn thấp hơn trong báo cáo trước đó.

(Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp ngày 23/2, SSI Research dự báo trong năm 2023, MSN sẽ thu về 86.764 tỷ doanh thu và 4.356 tỷ lợi nhuận sau thuế).

Báo cáo phân tích và dự báo kết quả kinh doanh năm 2023 của Masan trong cập nhật hồi tháng 2

Báo cáo phân tích và dự báo kết quả kinh doanh năm 2023 của Masan trong cập nhật hồi tháng 2

Đơn vị này hạ dự phóng kinh doanh trong bối cảnh MSN vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023. Theo dó, Masan ghi nhận doanh thu thuần đạt 18.706 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ nhưng NPATMI (lợi nhuận sau thuế công ty mẹ) chỉ đạt 215 tỷ đồng, giảm 86,5%.

Hiện nay, MSN nắm giữ 60% cổ phần tại Masan Consumer Holdings (MCH; hàng tiêu dùng nhanh); 58,6% tạiWinCommerce (WCM,đơn vị điều hành chuỗi bán WinMart, WinMart+); 89% tại Masan Meat Life (MML; sản xuất thức ăn gia súc và thịt); và 96% tại Masan Resources (MSR; tài nguyên thiên nhiên). MSN cũng sở hữu 20% cổ phần tại Techcombank (TCB).

Với kết quả này, bộ phận phân tích của chứng khoán SSI Research đánh giá doanh thu ở các công ty con của MSN trong quý I là khá tích cực so với các công ty F&B khác. Tuy nhiên, lợi nhuận của MSN giảm mạnh do các nguyên nhân chính như chi phí tài chính cao hơn 53,5% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, doanh nghiệp không có khoản thu nhập bất thường (thu nhập bất thường giảm 95,4%) và thu nhập từ công ty liên kết là TCB giảm 18,4%. Nếu loại trừ tác động của thu nhập bất thường, lợi nhuận sau thuế cốt lõi của tập đoàn giảm tới 63,8%.

Tại WinCommerce (WCM), doanh thu thuần quý I/2023 ghi nhận 7.335 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo tính toán của SSI Research, tăng trưởng doanh thu của Winmart+ (không tính đến các cửa hàng mở trong năm 2022 và quý I/2023) giảm 12,5% do giá trị hóa đơn mua hàng thấp hơn, điều này cho thấy người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giảm mua sắm. Tuy nhiên, số lượng hóa đơn đã tăng lên.

Ban lãnh đạo WCM cho rằng đơn vị có thể đạt điểm hòa vốn ròng từ IV/2023 đến quý I/2024 nếu tăng trưởng doanh thu phù hợp với kỳ vọng.

Với Masan Consumer Holdings (mã: MCH), doanh thu giảm 2,4% trong quý đầu năm xuống 6.037 tỷ đồng. Các mảng tăng trưởng doanh thu là gia vị, sản phẩm chăm sóc gia đình - cá nhân và cà phê, tuy vậy vẫn không đủ bù đắp cho mức suy giảm ở thực phẩm tiện lợi, đồ uống và bia. Tỷ suất lợi nhuận gộp của MCH đạt 43% trong quý I, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí đầu vào điều chỉnh. Lợi nhuận sau thuế tăng 17% lên 1.388 tỷ đồng.

Tại Masan Meat Life (mã: MML), doanh thu từ thịt trong quý I đạt tổng cộng 1.600 tỷ đồng, tăng gần 72% so với cùng kỳ nhờ việc hợp nhất Masan Jinju (MSJ).

Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận gộp của MML đạt mức 11,7% trong quý I/2023 so với 15% trong quý I/2022, chủ yếu là do giá thịt mát được chủ động cắt giảm và tỷ suất lợi nhuận của hoạt động kinh doanh nông trại bị thu hẹp do giá lợn hơi giảm. Cộng thêm việc không có khoản thu nhập bất thường, MML lỗ ròng 168 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, giảm mạnh so với khoản lãi sau thuế 244 tỷ đồng trong quý I năm ngoái.

Tại Masan High-tech Material (mã: MSR): Doanh thu giảm 3,7% so với cùng kỳ, xuống 3.786 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 14,3%, giảm 3 điểm % so với 17,4% trong quý I năm trước, chủ yếu do tỷ suất lợi nhuận vonfram giảm đáng kể.

Do doanh thu sụt giảm, tỷ suất lợi nhuận thu hẹp và chi phí tài chính tăng cao, MSR chỉ ghi nhận 14 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 89%. Ban lãnh đạo dự kiến sẽ giảm khoảng 50%-70% lượng đồng tồn kho trong năm 2023 để tăng cường dòng tiền cho MSR trong những quý tới.

Trong ngắn hạn,SSI Research cho rằng mức tiêu thụ yếu sẽ tiếp tục kéo dài trong 1-2 quý tới, điều này tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của MSN. Về dài hạn, chuyên gia đánh giá cao câu chuyện tăng trưởng về tiêu dùng của Việt Nam khi thu nhập tăng, và kỳ vọng tập đoàn sẽ đạt được mức tăng trưởng nhờ nền tảng tiêu dùng và bán lẻ.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ssi-research-du-bao-lai-rong-2023-cua-masan-co-the-xuong-duoi-4000-ty.html