SSI Research duy trì kỳ vọng dòng vốn ngoại sớm quay lại Việt Nam

SSI Research duy trì quan điểm kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ/tài khóa và sự ổn định của tỷ giá. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đã có lộ trình rõ ràng hơn trong việc mở cửa lại nền kinh tế, giúp củng cố niềm tin từ nhà đầu tư ngoại.

Dòng vốn vào Việt Nam có tín hiệu tích cực trở lại từ cuối tháng 3

Trong tháng 3, căng thẳng địa chính trị và động thái của các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tác động tới tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền vào Việt Nam không nằm ngoài xu hướng.

Theo số liệu từ SSI Research, tại thị trường Việt Nam, các quỹ ETF rút ròng mạnh ở giai đoạn đầu tháng và có sự cải thiện nhẹ vào cuối tháng. Cụ thể, tổng dòng vốn ETF âm -650 tỷ đồng trong tháng 3, trong đó 4 quỹ lớn liên tục bị rút ròng bao gồm VFM VN30 (-435 tỷ đồng), SSIAM VNFIN Lead (-200 tỷ đồng), VanEck (-447 tỷ đồng) và FTSE Vietnam (-130 tỷ đồng). Ngược lại, VFM VNDiamond và Fubon là hai quỹ ETF vẫn ghi nhận dòng tiền vào.

Dòng vốn có tín hiệu tích cực trở lại từ cuối tháng 3, đặc biệt là nhờ lực mua từ quỹ VFM VNDiamond sau khi chứng chỉ lưu ký của quỹ này đã thực hiện thành công IPO tại thị trường Thái Lan dưới tên gọi DR "DIAMOND ETF".

Theo SSI Research, DR "DIAMOND ETF" bắt đầu được niêm yết và giao dịch từ ngày 31/3, được kỳ vọng có thể thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam. Tính chung cho quý I/2022, dòng vốn ETF vẫn ghi nhận mức vào ròng 172 tỷ đồng, chủ yếu lực mua đến từ Quỹ Fubon và VFM VNDiamond.

Trong khi đó, dòng tiền từ các quỹ chủ động tiếp tục rút ròng trong tháng 3. Theo số liệu từ SSI Research, các quỹ chủ động ghi nhận mức rút ròng 588 tỷ đồng trong tháng 3, thấp hơn so với tháng 2 (-968 tỷ đồng), trong đó dòng tiền cũng ghi nhận tích cực trong nửa cuối tháng 3.

Tính chung quý I/2022, các quỹ chủ động rút gần 1,1 nghìn tỷ đồng, có sự cải thiện so với mức bán ròng hơn 3 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. Tương tự, giao dịch khối ngoại bán ròng đã thực hiện bán ròng 7,7 nghìn tỷ đồng trong quý I, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng tôi quan sát thấy khối ngoại có xu hướng tập trung giải ngân vào dòng cổ phiếu ngân hàng, hưởng lợi từ giá hàng hóa và nhóm tiềm năng khi nền kinh tế mở cửa” - Chuyên gia của SSI Research cho hay.

Các chuyên gia của SSI Research tiếp tục duy trì quan điểm kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới, cũng như sự ổn định của tỷ giá. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có lộ trình rõ ràng hơn trong việc mở cửa lại nền kinh tế, bao gồm mở cửa hoàn toàn biên giới và chuyển dịch chính sách xem Covid-19 chỉ còn là “bệnh đặc hữu” thay vì “đại dịch” như trước đó, giúp củng cố lại niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài.

Về mặt định giá, “P/E ước tính năm 2022 của Việt Nam đang ở mức 14,1 lần, thấp hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực, đây cũng là mức định giá tốt để đầu tư dài hạn” - Chuyên gia của SSI Research nhận định.

Dòng tiền vào tài sản tài chính tiếp tục thận trọng trên toàn cầu

Dòng tiền vào các tài sản tài chính tiếp tục suy giảm mạnh khi nhà đầu tư giảm tỷ trọng các tài sản rủi ro trong danh mục. Theo SSI Research, trong tháng 3, căng thẳng địa chính trị cùng với động thái của các ngân hàng trung ương lớn và lo ngại về suy thoái kinh tế tác động tới tâm lý nhà đầu tư và mức phân bổ dòng tiền vào các tài sản tài chính.

Theo khảo sát của các nhà quản lý quỹ của Bank of America Merill Lynch, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục tháng 3 tiếp tục tăng lên 5,9% từ mức 5,3% trong tháng 2 - tương đương với tỷ trọng vào thời điểm tháng 2 và tháng 3 năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Vốn vẫn ghi nhận vào ròng trên thị trường cổ phiếu, tuy nhiên tổng giá trị tiếp tục giảm (+41,0 tỷ USD, giảm 17,8% so với tháng 2). Dòng vốn vào các quỹ trái phiếu đã có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn ghi nhận mức giảm 23 tỷ USD đến từ động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Dòng vốn cổ phiếu toàn cầu mặc dù vào ròng, nhưng giá trị giảm rõ rệt so với tháng trước, trên cả hai thị trường phát triển và đang phát triển. Cụ thể, tại thị trường phát triển, tổng giá trị mua ròng ghi nhận là 34,2 tỷ USD - mức thấp nhất trong vòng 17 tháng qua, giảm 7,6% so với tháng 2 và 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, dòng vốn vào thị trường mới nổi giảm mạnh 47,2%, xuống chỉ còn mua ròng 6,8 tỷ USD, chủ yếu do dòng tiền vào Trung Quốc giảm nhiệt.

Theo nhận định của các chuyên gia SSI Research, trong thời gian tới, phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính sẽ khó lường hơn khi nhiều lo ngại về tình trạng thị trường “gấu” đã xuất hiện trên thị trường cổ phiếu. Dòng tiền vào thị trường trái phiếu có thể được cải thiện do nhu cầu phân bổ tỷ trọng vào các tài sản ít rủi ro tăng trong bối cảnh khó lường của thị trường toàn cầu./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ssi-research-duy-tri-ky-vong-dong-von-ngoai-som-quay-lai-viet-nam-103179.html