ST25 và cơ hội vàng xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Kỹ sư Hồ Quang Cua lo lắng tình trạng gạo ngon nhất thế giới ST25 cũng như hàng loạt loại gạo ngon khác của Việt Nam bị làm giả tràn lan khiến con đường xây dựng thương hiệu gạo Việt thêm gập ghềnh.

Kỹ sư Hồ Quang Cua và bảng vàng vinh danh gạo ST25 ngon nhất thế giới. (Ảnh: TTXVN phát)

Kỹ sư Hồ Quang Cua và bảng vàng vinh danh gạo ST25 ngon nhất thế giới. (Ảnh: TTXVN phát)

Gần đây, do đoạt giải "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019" nên gạo ST25 được nhiều người dân tìm mua, khiến cho loại gạo này trở nên sốt hàng, thậm chí trên thị trường còn xuất hiện loại gạo nhái ST25.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của gạo Việt.

Hành trình 12 năm để ST25 vươn lên vị trí đứng đầu thế giới

Hành trình tạo ra giống gạo ngon nhất thế giới ST25, theo kỹ sư-Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, mất gần 12 năm kể từ ngày lai tạo đầu tiên.

Cách đây hơn 20 năm, khi Thái Lan công bố lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang còn được gọi là "hạt vàng," kỹ sư Hồ Quang Cua đã trăn trở, nung nấu ý định phải tạo ra giống lúa thơm cho Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng (ST) gồm kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sỹ Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương là thành viên được hình thành và bắt đầu tiến hành lai tạo giống từ năm 2002 sau khi thu thập đủ giống bố mẹ từ Đài Loan, Bangladesh, IRRI (Viện Nghiên cứu lúa quốc tế), Thái Lan, Bắc Bộ, Nam Bộ...

Nhóm nghiên cứu vừa lai, chọn vừa rút kinh nghiệm để xây dựng các tổ hợp lai mới. Các tổ hợp được lai phức hợp gồm nhiều giống bố mẹ (ST20 có 7 bố mẹ), ST24, ST25 còn nhiều hơn nữa.

Đến năm 2004 mới có được tổ hợp lai chọn ra được giống tốt và phóng thích năm 2009, sau đó được công nhận, đoạt giải thưởng Bông lúa vàng.

Năm 2008, hai tổ hợp lai mới được thực hiện chọn, đến năm 2014 thì ổn định và khảo nghiệm, và đến năm 2016 hoàn thiện sản phẩm cuối cùng

Năm 2017, giống lúa ST24 đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Festival lúa gạo tổ chức ở Sóc Trăng. Cũng cuối năm 2017, giống này lọt vào tốp 3 thế giới trong một sự kiện tổ chức tại Macau (Trung Quốc).

Gạo ST25 khi nấu dẻo, ráo, thơm ngon.(Nguồn: Vietnam+)

Gạo ST25 khi nấu dẻo, ráo, thơm ngon.(Nguồn: Vietnam+)

Năm 2018, giống lúa ST24 lại đoạt giải trong Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3. Năm 2019, giống ST24, ST25 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tuyển chọn dự thi quốc tế lần thứ 11 ở Philippines, cả hai cùng lọt vào tốp đầu thế giới và ban giám khảo chọn ST25 để trao giải nhất.

Nâng tầm lúa gạo Việt

Hiện nay, Sóc Trăng đã có được bộ sưu tập giống lúa ST từ ST1 đến ST28 và một số giống ST đỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Các giống lúa ST, ngoài vị thơm ngon hơn, còn có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn và đặc biệt là có thể sản xuất được nhiều vụ trong năm.

Sự kiện gạo ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới có ý nghĩa rất lớn với công tác lai tạo giống, mở ra cơ hội cho ngành lúa gạo của Việt Nam.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, việc gạo ST25 của Việt Nam lần đầu tiên giành được thứ hạng cao nhất trên thế giới là cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, nâng tầm hạt gạo Việt trên trường quốc tế, bứt phá khỏi nhóm gạo giá rẻ.

Giống ST25 mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt. Hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo, thơm ngon. So với các giống gạo quốc tế, ưu điểm của ST25 là giống cao sản, có thể trồng 2-3 vụ, trong khi gạo thơm Thái chỉ trồng được 1 vụ vì là lúa mùa dài ngày.

Hiện, độ thuần của gạo Thái Lan tối thiểu là 92% chứ không phải chỉ 75% như trước đây. Do đó, kỹ sư Hồ Quang Cua mong muốn các nhà quản lý Việt Nam nên mua sắm trang thiết bị hiện đại để phân tích độ thuần và cấp chứng thực xác nhận cho doanh nghiệp gạo Việt.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ thêm để có nguồn giống cung ứng đúng chuẩn cho nông dân. Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình bằng những kỹ năng riêng theo những quy chuẩn nhà nước đã ban hành và nếu phù hợp, nhà nước cho phép mang thương hiệu quốc gia.

Gian nan bảo vệ thương hiệu

Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới, có khách hàng lâu dài thì song song với thương hiệu phải chiếm được sự tin cậy của khách hàng. Chúng ta chỉ có thể làm được hai điều đó khi kiểm soát được chất lượng gạo và chất lượng hạt giống.

Hiện nay, tình trạng giống lúa giả, giống lúa bị nhái, vi phạm nhãn hiệu bảo hộ đang tràn lan khắp Đồng bằng sông Cửu Long và cả miền Đông Nam Bộ gây ra hệ lụy giá cả và giá trị hạt gạo Việt Nam bị dìm xuống tầm thấp của thế giới.

Loại gạo ngon nhất thế giới ST25 mới chỉ đang ở giai đoạn thăm dò thị trường nhưng tại nhiều chợ truyền thống đã thấy bày bán, thậm chí trên mạng Internet cũng thấy rao bán tràn ngập với nhiều loại bao bì và giá khác nhau.

Các sản phẩm giả mạo này còn sử dụng hình ảnh nhận giải của đoàn Việt Nam tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 để in lên bao bì để tăng sức thuyết phục.

Một số trang web còn đẩy giá gạo ST25 lên mức 35.000-45.000 đồng/kg, trong khi kênh phân phối chính - Công ty Hồ Trí Quang - đang bán ra thị trường chỉ ở mức 27.000 đồng/kg.

Kỹ sư Hồ Quang Cua giới thiệu về giống lúa ST24 tại trại thực nghiệm. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Kỹ sư Hồ Quang Cua giới thiệu về giống lúa ST24 tại trại thực nghiệm. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Hạt giống lúa ST25 cũng bị làm giả, làm nhái tràn lan gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Kỹ sư Hồ Quang Cua rất lo lắng trước tình trạng này. Theo ông, đạt danh hiệu đã khó, để giữ được danh tiếng càng khó hơn.

Ông cho biết, hành trình làm “giấy khai sinh” cho một giống phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, mất thời gian khảo nghiệm, kiểm nghiệm rất lâu và tốn kém nhiều chi phí, từ khử lẫn, kiểm tra độ thuần trong quá trình sản xuất giống. Điều này là bắt buộc nhằm tránh tình trạng giống tự phát “trăm hoa đua nở” rồi sản xuất theo kiểu “tự vẽ bùa đeo” gây nhiễu loạn trong thị trường giống.

Thực tế thì không khó để phát hiện ra lúa giống giả khi hàng giả đựng trong bao trắng hoặc ngoài bao lúa giống có in “Lúa lương thực, thời gian sinh trưởng, hạn sử dụng…,” nhưng không ghi địa chỉ nhà cung cấp.

Kỹ sư Hồ Quang Cua trăn trở, nếu không bảo vệ được tác quyền, người sản xuất và kinh doanh không làm ăn chân thật, chạy theo lợi nhuận trước mắt, chộp giật nhất thời sẽ khiến con đường xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam thêm gập ghềnh.

Bài học nhãn tiền không chỉ diễn ra với gạo ST mà trước đó, rất nhiều giống lúa ngon khác như RVT, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM18… đều cũng bị làm giả, làm nhái không thương tiếc. Rút cuộc, người gánh chịu thiệt hại lâu dài chính là người nông dân và người tiêu dùng Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ. Việt Nam cần làm thương hiệu cho gạo, bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền và thương hiệu doanh nghiệp. Khi đã xây dựng được thương hiệu thì phải nỗ lực chung tay giữ gìn và bảo vệ được thương hiệu gạo Việt.

Hy vọng đến đầu năm 2020, Luật Trồng trọt mới có hiệu lực, nạn giống giả, vi phạm bản quyền sẽ được loại bỏ triệt để để gạo ngon Việt Nam có chỗ đứng vững chắc và lâu bền trên thị trường thế giới. /.

PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/st25-va-co-hoi-vang-xay-dung-thuong-hieu-gao-viet-nam/610946.vnp