Start-up của cựu nhân viên Lazada thâm nhập thị trường Việt Nam
Intrepid hỗ trợ các đơn vị bán lẻ truyền thống Việt Nam lập chiến lược kinh doanh để bước chân vào thị trường thương mại điện tử.
Start-up Intrepid - đơn vị tư vấn thương mại điện tử đặt trụ sở tại TPHCM mới đây gọi vốn thành công 2 triệu USD từ nhiều văn phòng đầu tư gia đình tại Thụy Điển. Trước đó, startup này tự định giá thương hiệu 9 triệu USD. Số tiền đầu tư sẽ được sử dụng để mở rộng hoạt động tại Philippines. Công ty đã mở văn phòng đại diện ở Hong Kong. Indonesia và Thái Lan sẽ là những mục tiêu tiếp theo.
Ý tưởng kinh doanh của Intrepid nảy sinh khi đội ngũ sáng lập còn làm việc tại Lazada. Tất cả nhận ra rằng các đơn vị bán lẻ thường gặp khá nhiều khó khăn khi họ bước chân vào việc kinh doanh trực tuyến.
Được thành lập bởi Khang Chim và Chris Beselin, Intrepid hoạt động với tư cách đối tác thương mại điện tử của các nhà bán lẻ truyền thống Việt Nam, từ những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, đến các thương hiệu lớn, giúp họ bước chân vào nền tảng kinh doanh online, đơn giản hóa quá trình thâm nhập vào thị trường thương mại điện tử.
Khang Chim - CEO của Intrepid. Ảnh: TechinAsia
Khang Chim, người hiện đảm nhận vị trí CEO của startup từng là giám đốc kinh doanh tại Lazada ở Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2015. Trong khi Beselin là đồng sáng lập của Lazada và cũng là CEO của một công ty thương mại điện tử tại Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2014.
"Về cơ bản, Intrepid giúp các doanh nghiệp bán lẻ thành công trong việc bán sản phẩm ra thị trường lớn trong khu vực. Với phạm vi này, chúng tôi sẽ giúp họ lên chiến lược quản lý, phân tích tình hình kinh doanh, tính toán giá cả, tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo, quản lý thu nhập và nhiều hơn thế nữa", Beselin cho biết.
Trong trường hợp khách hàng bán sản phẩm thông qua Lazada, công ty sẽ kiểm soát và đồng hành quản lý tài khoản hoạt động của khách hàng tại trang thương mại điện tử này.
Chris Beselin (áo trắng), Nhà đồng sáng lập của Intrepid. Ảnh:Intrepid
Beselin nhận định:"Thương mại điện tử không chỉ là phải là thực hiện một hoặc hai bước đúng hướng. Nó là phải thực hiện hàng trăm chi tiết nhỏ một cách chính xác, thường xuyên nhất có thể và trên tất cả các sản phẩm.Với các công nghệ mới được đưa vào các trang thương mại điện tử như Dữ liệu lớn (Big Data), tự động cập nhật giá, ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI)...các nhà bán lẻ truyền thống thường gặp khá nhiều rắc rối để sử dụng thành thạo và quản lý của hàng trực tuyến của mình".
Mô hình hoạt động của Intrepid được đánh giá là có triển vọng để phát triển tại Việt Nam - thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân. Tuy nhiên, theo chuyên gia tư vấn khởi nghiệp Kate Tran, startup này cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn hiện tại của Việt Nam như hệ thống thanh toán kém phát triển, hạ tầng logistic yếu cũng như các quy định của chính phủ trói buộc khiến cho các công ty và người tiêu dùng không có đủ tự tin để mua bán.
Theo cơ quan giám sát về thương mại điện tử Việt Nam, sự thiếu niềm tin vào thương mại điện tử của một bộ phận người tiêu dùng khiến nhiều đơn vị kinh doanh online hoạt động chủ yếu thông qua mạng xã hội Facebook hơn là các nền tảng thương mại điện tử.
Theo TechinAsia, điều này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn còn chỗ trống cho các công ty kinh doanh dịch vụ như Intrepid thâm nhập và mở rộng, giúp giải quyết các vấn đề về công nghệ và chiến lược mà các công ty thương mại điện tử địa phương cũng như các đơn vị bán lẻ đang gặp phải.
Vi Vũ (theo TechinAsia)