CEO 9X duy nhất ngồi 'ghế danh dự' trước mặt ông Tập Cận Bình

Chỉ với 9 năm tuổi đời, Unitree đã có thể ngồi ngang hàng với loạt gã khổng lồ công nghệ Huawei, BYD của Trung Quốc và là một trong 6 'con rồng' khởi nghiệp của Hàng Châu.

 Nhà sáng lập, giám đốc điều hành kiêm giám đốc công nghệ Unitree Vương Hưng Hưng. Ảnh: Unitree.

Nhà sáng lập, giám đốc điều hành kiêm giám đốc công nghệ Unitree Vương Hưng Hưng. Ảnh: Unitree.

Ngày 17/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một hội nghị quan trọng với doanh nghiệp tư nhân và có bài phát biểu mang tính chỉ đạo. Sự kiện này thu hút sự chú ý của giới đầu tư do danh sách khách mời và vị trí chỗ ngồi rất đặc biệt.

Tại hội nghị, chỉ có 6 lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc được mời phát biểu, bao gồm Nhậm Chính Phi (CEO của Huawei), Vương Truyền Phúc (Chủ tịch BYD), Lưu Vĩnh Hạo (Chủ tịch New Hope), Ngu Nhân Vinh (Chủ tịch Will Semiconductor), Vương Hưng Hưng (CEO của Unitree Robotics) và Lôi Quân (Chủ tịch Xiaomi).

Trong số đó, chỉ có một người sinh vào thập niên 1990 nhưng lại được xếp ngồi ở vị trí trung tâm, ngang hàng với 2 gã khổng lồ Huawei và BYD của Trung Quốc. Đó là Vương Hưng Hưng, CEO của Unitree Robotics.

"Rồng nhỏ" của ngành công nghệ Hàng Châu

Là startup về robot đến từ Hàng Châu, Unitree là một trong "6 con rồng nhỏ" (Six Little Dragons), chỉ nhóm doanh nghiệp công nghệ mới nổi với tiềm năng lớn tại tỉnh này. 2 cái tên nổi bật khác trong danh sách là DeepSeek và Game Science, studio đứng sau tựa game Black Myth: Wukong.

 4/6 doanh nhân phát biểu tại hội nghị bao gồm CEO Huawei Nhậm Chính Phi, CEO Xiaomi Lôi Quân, CEO BYD Vương Truyền Phúc và CEO Unitree Vương Hưng Hưng (theo chiều kim đồng hồ). Ảnh: CCTV.

4/6 doanh nhân phát biểu tại hội nghị bao gồm CEO Huawei Nhậm Chính Phi, CEO Xiaomi Lôi Quân, CEO BYD Vương Truyền Phúc và CEO Unitree Vương Hưng Hưng (theo chiều kim đồng hồ). Ảnh: CCTV.

Được Vương Hưng Hưng thành lập vào năm 2016, Unitree bắt đầu với một mục tiêu tham vọng: đưa robot hình người và robot 4 chân vào sản xuất đại trà với giá thành hợp lý. Tên gốc của công ty này trong tiếng Trung Quốc, lẫn tên "Unitree" để giao dịch quốc tế đều mang hàm ý "thắp sáng cây công nghệ của vũ trụ".

Trả lời phỏng vấn, CEO Vương Hưng Hưng cho biết Unitree xuất phát từ một thuật ngữ trong giới game thủ Trung Quốc, nghĩa là mở khóa từng cấp độ công nghệ để phát triển nền văn minh, theo SCMP.

Tên tuổi của Unitree vươn xa hơn sau khi hãng trình diễn 16 robot hình người H1 nhảy múa trong chương trình Xuân Vãn của đài CCTV đầu năm 2025. Tiết mục thu hút sự chú ý hơn một tỷ khán giả theo dõi trực tiếp. Đây được xem là câu trả lời của Trung Quốc trước nỗ lực của Tesla trong lĩnh vực này. Đài truyền hình quốc gia gọi đây là "màn trình diễn robot hình người AI hoàn toàn tự động quy mô lớn đầu tiên trên thế giới".

Theo Nikkei Asia, việc CEO Unitree Vương Hưng Hưng được xếp ngồi ngay trước mặt ông Tập Cận Bình bên cạnh lãnh đạo Huawei, BYD cho thấy chính phủ Trung Quốc đang dành ưu tiên rất lớn cho lĩnh vực robot và AI. Đặc biệt là khi đang phải cạnh tranh công nghệ với phương Tây.

Winnie Wu, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Trung Quốc tại BofA Global Research, cho rằng việc một startup như Unitree được xếp ngang hàng với các tập đoàn lớn có thể giúp hãng thuận lợi nhận phê duyệt từ chính quyền địa phương, gọi vốn và mở rộng hoạt động.

"Thật đáng khích lệ khi ở đó không chỉ có các công ty có vốn hóa siêu lớn (mega cap), mà còn là những công ty mới nổi như DeepSeek và Unitree”, chuyên gia nhận định.

Theo George Chen, đồng chủ tịch tại The Asia Group, thông điệp của ông Tập gửi đến thế giới khá rõ ràng. "Mỹ có Elon Musk, nhưng Trung Quốc cũng có những nhà lãnh đạo công nghệ của riêng mình”, chuyên gia nói với Bloomberg

 Sơ đồ chỗ ngồi hội nghị ngày 17/2. Ảnh: Reuters.

Sơ đồ chỗ ngồi hội nghị ngày 17/2. Ảnh: Reuters.

“Ngôi sao làng robot” được cả quỹ chính phủ lẫn tư nhân hậu thuẫn

Người đứng sau thành công của Unitree là CEO Vương Hưng Hưng, kỹ sư đam mê robot từ thời sinh viên. Khi đang theo học thạc sĩ, ông đã bỏ ra 20.000 nhân dân tệ (gần 3.000 USD) để chế tạo một nguyên mẫu robot 4 chân tên XDog. Sản phẩm này đã giành giải thưởng 80.000 nhân dân tệ tại một cuộc thi công nghệ trong nước và được cộng đồng nghiên cứu robot toàn cầu quan tâm.

Sau khi tốt nghiệp năm 2016, Vương Hưng Hưng gia nhập DJI, hãng sản xuất drone lớn nhất thế giới. Nhưng thành công của XDog khiến ông quyết định rời DJI chỉ sau một thời gian ngắn và thành lập Unitree Robotics vào tháng 8/2016.

 Vương Hưng Hưng phát triển XDog từ năm 2013, khi còn đang là sinh viên đại học, và cải tiến robot này khi học thạc sĩ. Ảnh: CCTV.

Vương Hưng Hưng phát triển XDog từ năm 2013, khi còn đang là sinh viên đại học, và cải tiến robot này khi học thạc sĩ. Ảnh: CCTV.

Chỉ sau vài năm, Unitree đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới thương mại hóa rộng rãi robot 4 chân hiệu suất cao. Hiện tại, công ty có gần 500 nhân viên và đã đạt vị thế "kỳ lân" với định giá hơn 1 tỷ USD sau khi huy động thành công hơn 1 tỷ nhân dân tệ trong 2 vòng gọi vốn năm 2023.

Tiết mục robot Unitree nhảy trên chương trình Xuân Vãn đài CCTV. Ảnh: CGTN.

Danh sách nhà đầu tư của Unitree bao gồm các quỹ đầu tư do chính quyền Bắc Kinh, Thượng Hải hậu thuẫn, quỹ đầu tư của Meituan, HongShan Capital Group và Source Code Capital.

"Chìa khóa của robot hình người là 'bộ não', tức là AI. Nhưng AI hóa thân trong robot vật lý (physical AI) vẫn đang ở giai đoạn sơ khai”, Giám đốc marketing Huang Jiawei của Unitree chia sẻ.

Dù vậy, Unitree đã bắt đầu thử nghiệm robot hình người trong môi trường thực tế. Các robot của hãng đang được triển khai tại các nhà máy của Nio và Geely - 2 nhà sản xuất xe điện lớn của Trung Quốc, đồng thời xuất hiện tại nhiều sự kiện công nghệ quan trọng như CES 2024, Hội nghị AI GTC của Nvidia và Hội nghị Robot Thế giới tại Bắc Kinh.

Việc CEO Unitree tham dự hội nghị ngày 17/2 cũng phản ánh thay đổi trong chính sách công nghệ của Trung Quốc. Từ năm 2018, ông Tập đã nhấn mạnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhưng sau đó, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt biện pháp siết chặt kiểm soát đối với các tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba, Tencent.

Giờ đây, có vẻ như Trung Quốc đang chuyển hướng ủng hộ các công ty công nghệ phần cứng (hard tech) như Huawei, BYD và Unitree. Đây là những doanh nghiệp tập trung vào phát triển phần cứng tiên tiến như chip, robot, xe điện, thay vì các nền tảng Internet như trước đây. Sự hiện diện của Jack Ma ở hàng ghế đầu càng là tín hiệu cho thấy chính sách đối với các đại gia công nghệ có thể thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Song, không phải doanh nhân nào cũng có mặt trong hàng ghế danh dự. Sự kiện ngày 17/2 không có sự tham dự của 3 ông lớn công nghệ là ByteDance (công ty mẹ của TikTok), JD.com (tập đoàn thương mại điện tử) và Baidu (chuyên về AI và công cụ tìm kiếm).

Chuyên gia kinh tế Winnie Wu cho rằng không nên quá lạc quan về cuộc gặp này. "Điều quan trọng không chỉ là những gì được thảo luận trong cuộc họp, mà còn là những gì sẽ xảy ra sau đó dưới dạng chính sách thực tế”, ông nói với Nikkei Asia.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/ceo-9x-duy-nhat-ngoi-ghe-danh-du-truoc-mat-ong-tap-can-binh-post1532551.html