Startup công nghệ giáo dục Việt Nam tự định vị hướng phát triển mới

Quy mô của thị trường công nghệ giáo dục (edtech) tại Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỉ đô la, theo Global Data. Hãng Edtech Agency có trụ sở tại TPHCM cho biết có đến 750 công ty khởi nghiệp edtech tại Việt Nam, nhưng trong số này chỉ 300 công ty thực sự là những hãng công nghệ, 450 công ty còn lại hoạt động trong môi trường số nhưng không có nội dung công nghệ cao trong sản phẩm và dịch vụ của họ.

(KTSG) – Quy mô của thị trường công nghệ giáo dục (edtech) tại Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỉ đô la, theo Global Data. Hãng Edtech Agency có trụ sở tại TPHCM cho biết có đến 750 công ty khởi nghiệp edtech tại Việt Nam, nhưng trong số này chỉ 300 công ty thực sự là những hãng công nghệ, 450 công ty còn lại hoạt động trong môi trường số nhưng không có nội dung công nghệ cao trong sản phẩm và dịch vụ của họ.

Chuyện định vị thế mạnh và giá trị giữa các công ty khởi nghiệp (startup) có mặt trên thị trường Việt Nam là câu chuyện thú vị, đầy gợi mở.

Tìm kiếm người học chịu trả tiền

Triệu Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm học liệu điện tử sách Việt Nam (VBCS), đang hồi hộp chờ đợi những khách hàng đầu tiên là học viên các trung tâm ngoại ngữ thuộc các trường đại học ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Bởi sau hai tuần dùng thử miễn phí các tính năng của ứng dụng học và luyện tiếng Anh Edmicro IELTS, sinh viên và học viên mới phải trả tiền.

Có đến gần 20 ứng dụng học và luyện IELTS mà người học tại Việt Nam có thể tiếp cận qua thế giới mạng. Edmicro IELTS là ứng dụng đầu tiên của một công ty công nghệ Việt Nam – Edmicro Education – luyện cả bốn kỹ năng của một kỳ thi IELTS. VBCS hiện là đơn vị khai thác kinh doanh ứng dụng này.

Nhà sáng lập ELSA Văn Đinh Hồng Vũ giới thiệu với CEO Tim Cook của Apple về công nghệ ELSA AI. Ảnh: ELSA

Nhà sáng lập ELSA Văn Đinh Hồng Vũ giới thiệu với CEO Tim Cook của Apple về công nghệ ELSA AI. Ảnh: ELSA

Edmicro IELTS ra mắt từ năm 2018. Mãi đến năm 2023, VBCS mới bắt đầu quảng bá ứng dụng này trên Facebook. Đến nay, ứng dụng đã có khoảng 2.000 tài khoản trả phí khắp Việt Nam, sau khi đã tiếp cận hơn 30.000 tài khoản hay người sử dụng. Tỷ lệ chuyển đổi khoảng 6,6%.

Phí thi IELTS rất đắt, hơn 4,6 triệu đồng mỗi lần thi. Việc chuẩn bị và tập dượt cho kỳ thi này cũng rất tốn kém nếu đi học và luyện thi ở các trung tâm. Giải pháp học và luyện bốn kỹ năng tiếng Anh trên Edmicro IELTS hiệu quả, nhưng rẻ hơn rất nhiều.

“Kết quả năm đầu tiên thật sự không như mong muốn. Chúng tôi đổi cách tiếp cận bằng việc hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ với mục tiêu là có thể nâng số tài khoản trả phí lên 30.000-40.000 trong năm kế tiếp”, ông Triệu Tuấn Anh nói với Kinh tế Sài Gòn.

Tìm kiếm và giữ chân người học chịu trả tiền là vấn đề lớn của các startup edtech Việt Nam.

Thị phần chính của Edmicro IELTS hoàn toàn là ở Việt Nam. Trong khi đó, ELSA (English Language Speech Assistant) là ứng dụng nhận diện giọng nói và sửa lỗi phát âm tiếng Anh có thị phần rộng lớn hơn. Ra mắt tại Silicon Valley năm 2015, đến nay ELSA đã có hơn 50 triệu lượt người dùng ở khắp 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chỉ riêng Việt Nam là 10 triệu người.

Bà Văn Đinh Hồng Vũ, nhà sáng lập kiêm CEO của ELSA, cho biết các thị trường quốc tế hàng đầu của ELSA gồm Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Mexico, Nhật Bản và Indonesia. Hiện ELSA có trụ sở chính tại San Francisco, Mỹ và văn phòng đại diện tại TPHCM của Việt Nam và Lisbon của Bồ Đào Nha.

ELSA hiện đang khuyến mãi loại tài khoản trọn đời được giảm giá tới 85% với blogger du lịch Khoai Lang Thang làm đại diện thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Hiện ELSA cũng đang tiếp cận với người dùng Việt Nam thông qua các trung tâm ngoại ngữ.

Bùng nổ giáo dục trực tuyến tại Việt Nam

Giáo dục trực tuyến Việt Nam manh nha hình thành từ năm 2005. Các đơn vị khai phá thị trường như HOCMAI, Topica… đã góp phần xây dựng nền tảng cho nền công nghệ giáo dục Việt Nam. Quá trình chuyển đổi số và các thách thức của Covid-19 đã giúp nhiều startup edtech có cơ hội khẳng định sự hiện diện của mình.

Theo Sách Trắng Công nghệ giáo dục Việt Nam (Vietnam’s Edtech White Paper) do Edtech Agency công bố tháng 8-2023, tính đến giữa năm ngoái có 70 quỹ đầu tư trong và ngoài nước đầu tư 400 triệu đô la vào các startup edtech tại Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là một trong ba thị trường công nghệ giáo dục có triển vọng nhất ở Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Điểm chung của ngành edtech Đông Nam Á, theo Sách Trắng, là tập trung vào bốn lĩnh vực chính gồm dạy kèm, chuẩn bị cho các kỳ thi, học tiếng Anh, học và luyện các môn STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học). Các startup chủ yếu sẽ tiếp cận các khối phổ thông từ lớp 1-12 và có đến ba phần tư số startup áp dụng phương thức tiếp cận trực tiếp người dùng – như Edmicro IELTS và ELSA đã làm trong các năm qua và thông qua đại lý là các trung tâm ngoại ngữ.

Việt Nam có cơ sở hạ tầng và kết nối Internet phát triển, với hơn 98% số người dùng sở hữu smartphone, hơn 58% sở hữu máy tính và gần 80% sử dụng Internet. Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chiếm 4-5% GDP, chiếm 15% tổng chi ngân sách. Người Việt dành khoảng 20-30% thu nhập để đầu tư giáo dục cho con cái, trong khi mức trung bình ở các nước Đông Nam Á là 6-15%, theo hãng tư vấn Bain & Co. Với 25 triệu học sinh và sinh viên các cấp, số tiền chi tiêu cho giáo dục của mỗi học sinh, sinh viên là từ 700-1.000 đô la mỗi năm, theo Sách Trắng.

Đi tìm đối thủ của chính mình

Edmicro IELTS và ELSA có những điểm chung gì? Họ đều là sản phẩm của startup Việt, nhận vốn từ các quỹ đầu tư nhưng đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

Ông Triệu Tuấn Anh nói rằng thế mạnh của VBCS là các sản phẩm chuyển đổi số dành cho trường học. Bởi theo một quy định của Sở Giáo dục TPHCM, các trường tiểu học, trung học các cấp phải dành 25-35% thời gian tương tác trên mạng, giao bài tập, trao đổi tài liệu. Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2030 hình thức đào tạo trực tuyến sẽ chiếm khoảng 90% thời lượng dạy ở các trường đại học, 80% ở các trường trung học phổ thông và cơ sở dạy nghề.

Còn Edmicro IELTS là sản phẩm “phụ” của VBCS và đối tác sản xuất, với các tính năng học và luyện đủ bốn kỹ năng tiếng Anh với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). “Tuy vậy, khi tập trung khai thác ứng dụng trong năm thứ hai, chúng tôi xem ELSA là đối thủ chính”, Giám đốc VBCS nói.

Còn bà Văn Đinh Hồng Vũ từ ELSA lại cho rằng ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo và các ứng dụng tương tự là thách thức và cả cơ hội cho ELSA. “Bởi họ đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường học ngôn ngữ. Cạnh tranh với những gã khổng lồ như vậy đòi hỏi ELSA phải liên tục đổi mới và tạo sự khác biệt cho các dịch vụ của mình”, nhà sáng lập ELSA trao đổi từ San Francisco.

Duolingo là nền tảng học ngoại ngữ lớn nhất thế giới, với 43 ngôn ngữ và 500 triệu người học trên toàn cầu. Tại sự kiện công nghệ tại TPHCM vào tháng 10-2023, bà Haina Xiang, Giám đốc tiếp thị châu Á của Duolingo, nói rằng Việt Nam là một trong ba thị trường đứng đầu trên toàn cầu của Duolingo về số lượt người dùng mới mỗi ngày.

“Chúng tôi không cạnh tranh với các ứng dụng edtech khác mà cạnh tranh với Facebook và TikTok để thu hút sự chú ý của người dùng”, bà Xiang nhấn mạnh.

Bài toán của tương lai

Các bậc phụ huynh tại Việt Nam dễ chi tiền cho các khoản phí mang tính trường lớp hơn cho việc tự học, ông Triệu Tuấn Anh giải thích. Nhưng một khi người học sẵn sàng chi tiền để tự học thì những ứng dụng như Edmicro IELTS sẽ có cơ hội. Tuy vậy, tăng 15-20 lần số người dùng trả phí trong 12 tháng là một thách thức không nhỏ với VBCS.

Còn CEO Văn Đinh Hồng Vũ nói thách thức mà ELSA phải đối mặt ở Việt Nam và các thị trường quốc tế là không khác nhau nhiều. Những ngày đầu khi thành lập, ELSA phải thuyết phục người dùng rằng AI có thể giúp mọi người học và trau dồi tiếng Anh. Ngày nay, khi AI đã trở nên phổ biến hơn, thách thức của ELSA là tích hợp công nghệ AI của mình trong hơn tám năm qua với AI công nghệ mới nhất, như GenAI (AI tạo sinh). “ELSA AI đã ra mắt và cung cấp cho người dùng khả năng tạo ra và tham gia các cuộc trò chuyện với đủ vai. Chúng tôi đang tập trung vào việc đưa ELSA AI phát triển lên mức cao hơn”, nhà sáng lập ELSA nói.

Vẫn tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực luyện nói và phát âm, nhưng ELSA không cho rằng sẽ “một mình một cõi” mà xem trọng việc hợp tác. CEO ELSA nói: “Các startup cần hợp lực để tạo nên sức mạnh cho hệ sinh thái khởi nghiệp và công nghệ giáo dục Việt Nam. Hiện chúng tôi cung cấp công nghệ của mình dưới dạng API (giao diện lập trình ứng dụng) để hỗ trợ các startup khác rút ngắn thời gian phát triển ứng dụng mới, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ của họ”.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/startup-cong-nghe-giao-duc-viet-nam-tu-dinh-vi-huong-phat-trien-moi/