Startup đồ chơi giáo dục Việt kiếm triệu USD trên đất Mỹ
Bắt đầu kinh doanh từ năm 2020 thông qua website công ty và các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Etsy với thị trường chính là Mỹ, Úc và Canada, đến năm 2023, doanh thu Kalotoys là 95 tỷ đồng.
Có con trong cùng thời điểm, cùng đối mặt với vấn đề có ít thông tin để lựa chọn các món đồ chơi tốt, có tính giáo dục cho con, Lê Trung Anh và Đồng Đức Thành quyết định đi sâu vào phát triển các sản phẩm đồ chơi giáo dục.
Từ đây, thương hiệu Kalotoys ra đời nhằm mang đến các sản phẩm thực sự an toàn, chất lượng, thú vị và có giá trị giáo dục cao cho bé từ 0 - 5 tuổi.
"Kalotoys đánh vào một điểm duy nhất là thiết kế ra những bộ đồ chơi theo lứa tuổi theo phương pháp giáo dục. Từ đó cha mẹ có thể lựa chọn được đúng sản phẩm phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của con mình", nhà đồng sáng lập Kalotoys Đồng Đức Thành chia sẻ.
Đại diện Kalotoys khẳng định, điểm mạnh của doanh nghiệp là phát triển sản phẩm. Công ty sở hữu đội ngũ khoảng 40 nhân sự bao gồm nghiên cứu thị trường, giáo viên mầm non đảm bảo yếu tố giáo dục trong sản phẩm, thiết kế sản phẩm và đội sản xuất.
Đồ chơi được làm từ loại gỗ có họ thông, nhập khẩu từ Nga, Ukraine, Siberia, Phần Lan… Loại gỗ này chứa một loại tinh dầu có thể chống mối mọt mà không cần tẩm ướp hóa chất.
Các sản phẩm đều có chứng chỉ kiểm nghiệm và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng ASTM của Mỹ. Đức Thành tiết lộ, điều đặc biệt của Kalotoys là cá nhân hóa tên của em bé lên sản phẩm và chuyển trực tiếp đến tay khách hàng.
Bắt đầu kinh doanh từ năm 2020 thông qua website công ty và các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Etsy với thị trường chính là Mỹ, Úc và Canada, đến năm 2023, doanh thu Kalotoys là 95 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10%.
Mục tiêu doanh thu của Kalotoys trong năm 2024 là 250 tỷ đồng. Ngoài ra, startup này cũng xác định rất rõ lộ trình phát triển trong ba năm nữa là đạt doanh thu 25 triệu USD, lợi nhuận sau khấu hao là 13%.
Đến Shark Tank Việt Nam mùa 7, startup tìm kiếm một nhà đầu tư có tầm nhìn 10 - 15 năm để đưa Kalotoys trở thành thương hiệu được yêu thích trên toàn cầu, mong muốn kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần.
Trước mắt, kế hoạch của Kalotoys là mở xưởng ở Mỹ vào cuối năm nay và muốn bổ sung thêm nguồn tài chính để đảm bảo quy mô vận hành lớn.
Đồng tình với xu hướng bán hàng điện tử xuyên biên giới đang thành trào lưu, Shark Minh Beta nêu quan điểm thị trường đồ chơi trẻ em đang nằm trong tay các doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhà đồng sáng lập Lê Trung Anh cho biết, lợi thế của Kalotoys là nhân công trẻ, biết tiếng Anh, trong khi nhân công ở Trung Quốc có độ tuổi trung bình khoảng 40 - 50 tuổi và gặp rào cản về ngoại ngữ.
Anh cũng tự tin Kalotoys sẽ cạnh tranh với sản phẩm ở Mỹ về giá và cạnh tranh với các công ty Trung Quốc bằng cách tạo ra nội dung hay hơn.
Nhận thấy tiềm năng của startup, Shark Bình đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 15% cổ phần. Shark Minh Beta đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 12% cổ phần và cho biết có thể giúp về nội dung và mạng lưới quan hệ sẵn có tại Mỹ.
Shark Thái đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần, giải ngân theo đợt tùy theo mục tiêu đạt được. Ngoài ra sẽ chuyển giao toàn bộ quy trình R&D, QC, sản xuất để giúp tối ưu chi phí sản xuất, quản lý vận hành nhà máy.
Với mục tiêu phát triển ở thị trường Mỹ trong thời gian tới, hai nhà sáng lập Kalotoys phân tích rằng startup cần mối quan hệ ở Mỹ của Shark Minh Beta và kinh nghiệm làm thương mại điện tử của Shark Bình.
Chính vì thế, startup đề xuất cả hai Shark cùng đầu tư với số tiền 1 triệu USD cho 10% cổ phần và nhanh chóng nhận được cái gật đầu của hai "cá mập".
Thương vụ gọi vốn khép lại thành công và Kalotoys có sự đồng hành của Shark Minh Beta với Shark Bình trên hành trình mở rộng thị trường tại Mỹ và đưa startup trở thành thương hiệu được yêu thích trên toàn cầu.